Tăng trưởng đang có điểm nghẽn bất hợp lý, trái logic
Kinh tế - Ngày đăng : 12:24, 31/10/2017
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ). |
GDP "rơi tự do" rất... kỳ lạ
Theo đại biểu Quang Hàm, đây cũng là băn khoăn của nhiều cử tri khi cho rằng số liệu tăng trưởng trong các năm gần đây không hợp lý, tăng trưởng giữa các quý đột ngột, không theo logic thông thường.
Cụ thể, vào các quý cuối năm tăng trưởng rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột.
"Nếu lý giải do quý I vào dịp Tết nên sản xuất giảm sút thì không thuyết phục vì được bù đắp bởi tiêu dùng và du lịch nên có giảm sút cũng không thể giảm quá sâu.
Do quy trình ngân sách theo năm nên đầu năm chí ít cũng không thể làm tốc độ tăng trưởng giảm quá nhanh vì quý I có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi và chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng.
Đồng thời sản xuất cũng không thể đình trệ đột ngột trên diện rộng để GDP "rơi tự do" như diễn biến mấy năm gầy đây" - đại biểu của tỉnh Phú Thọ nêu.
Tiếp đó, đại biểu đưa ra những con số thực tiễn để chứng minh về sự tăng và giảm GDP mà theo ông là "rất kỳ lạ".
Cụ thể, nếu quý IV năm 2015, cả nước hân hoan với tốc độ tăng trưởng đạt 7,01% thì quý I năm 2016 rơi thẳng xuống 5,48% (giảm hơn 22%). Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý II, III và đạt mức cao 6,68% trong quý IV năm 2016, nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý I năm 2017 còn 5,1%.
Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở những quý cuối năm 2017 (quý III đạt 7,46% và dự báo quý IV là 7,31%). Quý I năm 2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này hay không thì chưa rõ.
Do đó, với số liệu trên, cử tri cho rằng, nếu thống kê tốt, không có nghi vấn gì thì tăng trưởng đang có những điểm nghẽn rất bất hợp lý, trái với logic thông thường. Do đó, thay mặt cho các cử tri, đại biểu đề nghị Chính phủ phải làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra ở quý I năm 2018 và quý I các năm sau.
Quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ
Đề cập đến dự toán ngân sách năm 2018, đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích: "Trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay nhưng phân bổ chi đầu tư phát triển dàn trải, các ưu tiên cho mục tiêu phát triển cơ cấu lại nền kinh tế bố trí chậm và không đủ vốn. Chúng ta dành 80.000 tỷ đồng để dành cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm (kể cả năm 2018) vẫn chưa bố trí và giải ngân được vốn".
Đại biểu nêu thêm, dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc Nam dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này nhưng chưa bố trí được vốn trong năm 2018.
Hai chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, sau 3 năm Trung ương mới bố trí được 37.650 tỷ đồng, bằng khoảng 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt mục tiêu.
"Trong khi bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Khả năng trả nợ rất khó khăn, ngân sách Trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252.000 tỷ đồng" - đại biểu Hàm tiếp tục nêu.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao; đẩy nhanh quá trình đổi mới cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp để giảm chi ngân sách, đặc biệt phải cân nhắc khoán chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí hoạt động thường xuyên; tăng thu tiết kiệm chi phải ưu tiên giảm bội chi trả nợ; quản lý chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA...