Đại biểu Quốc hội than "trên chuyển" mà dưới chưa... "động"

Chính trị - Ngày đăng : 12:00, 31/10/2017

(HNMO) - Sáng 31-10, các ĐBQH thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020.

Còn nhiều vật cản trên đường đi.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội).


Phát biểu cuối buổi sáng nay, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, một chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân như lời tuyên thệ khi nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ đang hiện hữu trong đời sống.

Đảng và Chính phủ đã và đang quyết tâm cao, mạnh mẽ và quyết liệt trong nhận diện, khắc phục các hạn chế yếu kém mang tính trầm kha; tấn công phá vỡ sự trì trệ của quan liêu, tiêu cực, thiếu trung thực, lỗi hệ thống, dấn thân vào những việc mới, khó, phức tạp, động chạm; rõ nhất là xử lý cán bộ vi phạm, chống lợi ích nhóm, tinh gọn bộ máy và giảm biên chế; cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thành lập tổ công tác của Thủ tướng, theo dõi đôn đốc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành, địa phương.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu: "Nhìn nhận những kết quả đã đạt được trong bối cảnh khó khăn chồng chất, chúng ta thấy con đường và cách đi là hết sức đúng đắn, mạnh mẽ, chắc chắn, cách mạng và thận trọng. Kết quả đó đã củng cố, tăng cường đáng kể niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với Quốc hội, Chính phủ; tạo sự đồng thuận và động lực chung để toàn dân và doanh nghiệp vững tin chung tay cùng Quốc hội, Chính phủ tiến nhanh về phía trước".

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thực trạng, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã "chuyển" khá mạnh nhưng một số bộ, ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự "động".

"Con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích nói nhiều, làm ít, xu nịnh, tham mưu theo kiểu "hại nước lợi mình", thiếu công khai minh bạch và can thiệp trái pháp luật còn phổ biến. Đó là những thách thức rất lớn đòi hỏi nỗ lực rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nước ta không bị lạc hậu và tụt hậu" - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu.

"Trên nóng dưới lạnh": Buôn lậu và phá rừng là ví dụ

Phát biểu trước đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, điều dễ nhận ra trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ là tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Trong khi Chính phủ thì trách nhiệm, quyết liệt thì bộ máy hành pháp bên dưới ở một số nơi còn thờ ơ và không làm tròn nhiệm vụ" - đại biểu Cương nêu lên thực trạng.


Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).


Tiếp đó, đại biểu nêu hai ví dụ để chứng minh. Đó là tình trạng buôn lậu đã và đang diễn ra rất sôi động trên đất liền và trên biển. Thiệt hại do buôn lậu mang đến cho nền kinh tế là rất lớn nhưng không có một cơ quan có trách nhiệm nào đưa ra con số thống kê để từ đó có giải pháp hữu hiệu.

"Nói đến buôn lậu thì phải nói tới buôn lậu thuốc lá. Sau khi nghe truyền hình phản ánh tôi đã đi thực tế để mục sở thị tình trạng này tại một số tỉnh ở phía Nam. Qua chuyến đi thực tế, tôi nhận thấy, vận chuyển thuốc lá lậu khá công khai ở những thời điểm trong ngày; thuốc lậu bán công khai ở khắp các chợ... Trong gần 3 ngày đi thực tế, tôi chỉ mong một lần được gặp các lực lượng chức năng đi kiểm tra kiểm soát nhưng tuyệt nhiên không thấy bất cứ lực lượng nào.

Tôi không phủ nhận kết quả, cố gắng của lực lượng chống buôn lậu thời gian qua, nhưng tôi muốn nói lên thực tế là nếu không tăng cường và chống tiêu cực thì buôn lậu còn gia tăng” - đại biểu Nguyễn  Sỹ Cương nói.

Tình trạng phá rừng cũng là một minh chứng cho việc "trên nóng, dưới lạnh" mà đại biểu tiếp tục nêu.

"Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng rừng vẫn không được đóng. Những vụ phá rừng lớn nhất tại các địa phương thời gian vừa qua nói lên thực trạng vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ.

Một cây to có đường kính 1m thì phải 70 đến 100 năm mới có được nhưng với lâm tặc thì chỉ cần 16 phút là xong. Một trạm kiểm lâm, mỗi đêm có khoảng 80-100 xe máy đi qua, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp cho kiểm lâm khoảng 300-400 nghìn tiền tiêu cực thì số lợi thu tiền bất chính không nhỏ..." - đại biểu Cương bày tỏ bức xúc. 

Nạn chặt phá rừng cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng trong sáng nay.

Theo điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ có giải trình làm rõ nhiều vấn đề các đại biểu nêu.

Bảo Hân