Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Đời sống - Ngày đăng : 10:25, 01/11/2017

Phạt nặng hành vi gây thất thoát hàng cứu trợ; cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.


Cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi

Nghị định 105/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực từ 1-11 quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet (quy định hiện hành cấm bán tất cả các sản phẩm rượu qua mạng mà không phân biệt độ cồn); bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán bằng máy bán hàng tự động; quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định...

Nghị định này cũng cấm kinh doanh rượu không có giấy phép kinh doanh hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép; cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh...

Phục vụ thức ăn cho khách bị chậm chuyến bay từ 3h trở lên


Trong trường hợp chuyến bay bị chậm từ 3h, các hãng hàng không phải phục vụ hành khách ăn uống. Ảnh minh họa: Phương Sơn


Cũng có hiệu lực từ 1-11, Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy định về chất lượng dịch vụ hành khách của cảng hàng không.

Theo đó, trường hợp chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển theo kế hoạch 15 phút trở lên so với lịch bay, hãng hàng không có trách nhiệm thông báo cho hành khách các thông tin liên quan đến chuyến bay, cụ thể như: Số hiệu, chặng bay, lý do của việc chậm chuyến, gián đoạn vận chuyển; thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch bay thay thế; kế hoạch phục vụ hành khách; bộ phận trợ giúp hành khách (vị trí, dấu hiệu nhận biết); xin lỗi hành khách.

Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm chuyến, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định như sau: Thời gian chậm từ 2h phải phục vụ nước uống; thời gian chậm từ 3h trở lên phải phục vụ ăn; thời gian chậm từ 6h trở lên phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không.

Thời gian chậm từ 6h giờ trở lên (từ 22h hôm trước đến trước 7h ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

Phạt nặng hành vi gây thất thoát hàng cứu trợ

Nghị định 104/2017 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-11 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Theo đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tiền, hàng cứu trợ và cứu trợ không đúng đối tượng; thực hiện nhiệm vụ cứu trợ không kịp thời.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không chủ động cứu giúp hoặc không thông tin kịp thời để lực lượng khác đến ứng cứu người, phương tiện bị nạn trên biển, sông, suối, ao, hồ...

Điều kiện mới về tuyển sinh liên thông trình độ cao đẳng

Thông tư 27/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 5-11 quy định một số điều kiện mới về liên thông đào tạo trình độ cao đẳng.

Cụ thể, điều kiện được đưa ra là người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.

Chế độ cho thanh niên xung phong miền Nam

Nghị định 112/2017 có hiệu lực từ 20-11 quy định chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975.

Theo Nghị định này, những người đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định sẽ được hưởng các chính sách sau đây: Trợ cấp một lần tối đa 3,6 triệu đồng; trợ cấp 540.000 đồng/tháng; trợ cấp mai táng; hỗ trợ, ưu tiên vay vốn để sản xuất kinh doanh...

Theo VnExpress