Chống lấn chiếm, bảo đảm an toàn
Giao thông - Ngày đăng : 07:01, 01/11/2017
Việc sắp xếp tủ điện trước cửa lên xuống đường hầm gây cản trở và mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Thái Hiền |
Chiếm dụng hầm bộ hành để bán hàng
Qua phản ánh của người dân cũng như ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số hầm bộ hành vẫn tồn tại những bất cập làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân. Điển hình như cửa hầm trước số nhà 413 đường Trường Chinh (thuộc hệ thống hầm bộ hành nút giao thông Ngã Tư Sở) lâu nay đã bị chiếm dụng để bán nước, với những chồng ghế nhựa, bếp than tổ ong bày ngay trước cửa hầm. Trong khi đó, nhiều người dân cũng phản ánh về tình trạng bán hàng nước tại khu vực hầm H3 trên đường Phạm Hùng (gần Bến xe Mỹ Đình), hầm H2 khu vực nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến...
Còn cửa hầm ở số 630 đường Trường Chinh bị một số hộ dân biến thành nơi tập kết rác thải, rất mất vệ sinh; hay cửa hầm trước số nhà 444 phố Tây Sơn cũng trở thành nơi tập kết phế liệu, bán hàng nước. Trong hầm, hệ thống đèn chiếu sáng, biển chỉ dẫn đầy đủ, người đi lại khá đông nhưng gạch lát bậc lên xuống có chỗ bị bong tróc... Tình trạng tương tự xảy ra tại cửa hầm bộ hành trên đường Khuất Duy Tiến (hướng siêu thị Big C), hầm H12 trên đường Khuất Duy Tiến, hầm H15 trên đường Nguyễn Xiển...
Bà Nguyễn Thị Vân (phố Tây Sơn, quận Đống Đa) nêu ý kiến: Hầm bộ hành giúp người đi bộ sang đường thuận tiện, an toàn. Tuy nhiên, tình trạng chiếm dụng hầm đường bộ để bán hàng, tập kết rác thải của một số người thiếu ý thức đã ảnh hưởng rất nhiều tới cộng đồng. Có những thời điểm, cửa hầm bị chiếm dụng gần hết, khách bộ hành phải lách qua rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải tỏa, bảo đảm thông thoáng, vệ sinh môi trường cho các hầm bộ hành.
Cần sự phối hợp của chính quyền
Hầm bộ hành trước cửa số nhà 630 đường Trường Chinh thường xuyên bị chiếm dụng. Ảnh: Tuấn khải |
Theo thống kê của Sở GT-VT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 36 hệ thống hầm bộ hành, nằm tại các nút giao Ngã Tư Sở, Kim Liên và các tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, đường 32... Việc hàng loạt hầm bộ hành được đưa vào khai thác trên một số tuyến đường, nút giao thông trọng yếu của Thủ đô đã và đang phát huy tác dụng, được dư luận đánh giá cao.
Ông Nguyễn Tuấn Đức, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, việc mở cửa các hầm đi bộ được thực hiện theo tiến độ bàn giao của các chủ đầu tư dự án. Đến thời điểm này, Sở đã đưa 28 hầm bộ hành vào khai thác, sử dụng. Còn lại 8 hầm trên trục đường 5 kéo dài (đường Trường Sa, Hoàng Sa) do nhu cầu thực tế chưa có người dân đi lại nên chưa mở cửa. Tuy nhiên, tại đây đơn vị quản lý vẫn cử lực lượng kiểm tra và chốt trực nhằm bảo đảm không để kẻ gian phá hoại.
Đối với các hầm đã mở để phục vụ nhân dân, UBND thành phố và Sở GT-VT Hà Nội đã giao các đơn vị chức năng (Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội và Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội) bố trí lực lượng làm vệ sinh, tuần tra bảo vệ từ 6h đến 22h hằng ngày (mỗi ngày 2 ca, mỗi ca 1 người/hầm) và duy tu, bảo trì định kỳ. Nhờ đó, các hầm trong tình trạng tốt, bảo đảm đủ điều kiện cho người đi bộ sang đường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Đức cũng thừa nhận, vẫn còn trường hợp hỏng hóc chưa được xử lý kịp thời. Về việc tập kết rác, lấn chiếm hầm làm nơi bán hàng, ngay sau khi có thông tin phản ánh, Sở GT-VT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, giải tỏa, dọn dẹp phế thải đồng thời cắm biển cảnh báo. Như tại hầm bộ hành H15 trên đường Nguyễn Xiển, sau khi được báo chí và nhân dân phản ánh, ngày 20-10 vừa qua, Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội đã lắp dựng hàng rào để ngăn chặn tái lấn chiếm, đổ phế thải.
Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, với các trường hợp vi phạm mà Báo Hànộimới phản ánh, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý ngay. Tuy nhiên, có một thực tế là cứ vắng bóng lực lượng chức năng thì hiện tượng vi phạm lại tái diễn. Theo phân cấp quản lý, phần vỉa hè, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện. Sở GT-VT Hà Nội đề nghị các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Thành phố đầu tư tiền tỷ vào các hầm bộ hành nhằm mang lại tiện nghi và bảo đảm an toàn cho người dân, nhưng thực tế vẫn tồn tại tình trạng chưa đẹp nói trên. Vì thế, vấn đề cấp bách là phải khắc phục ngay những tồn tại, tạo cho người dân sự tin tưởng, từ đó họ sẽ thoải mái hơn khi tham gia giao thông tại các nút giao và hình thành thói quen sử dụng hầm thường xuyên trong tương lai. Có như vậy, các hầm bộ hành mới bảo đảm đúng công năng, qua đó xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn.