Sớm điều chỉnh mức cho vay với hộ nghèo
Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 01/11/2017
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay đơn vị đã, đang triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác. Tính đến hết tháng 9-2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng đạt hơn 179 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 172 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 169 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,2%. Đồng vốn đã giúp hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Kết quả, đã có hơn 4,5 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... Đặc biệt, đến hết tháng 9-2017, các chương trình tín dụng dành cho khu vực dân tộc miền núi đã đạt doanh số cho vay 2.913 tỷ đồng. Hầu hết hộ gia đình được vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, dư nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 3,8%, tạo điều kiện cho đồng bào khó khăn vươn lên phát triển kinh tế...
Ưu điểm của vốn tín dụng chính sách đó là người dân có thể giao dịch ngay tại UBND xã, phường, thị trấn. Phương thức cho vay ủy thác đã gắn với liên kết "4 nhà" (ngân hàng, chính quyền, hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn) chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện củng cố tổ chức của mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tốt hơn.
Thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương tích cực trong công tác cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đã giải ngân hơn 21 nghìn tỷ đồng cho hơn 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Nguồn vốn đã giúp gần 220 nghìn hộ nghèo thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 460 nghìn lao động; giúp hơn 140 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng hơn 7.200 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Theo phản ánh từ các địa phương, hiện nay, việc tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội vẫn còn một số khó khăn. Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao, một số hộ nghèo sử dụng đồng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững... Từ thực tế này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề xuất Trung ương xem xét nâng mức cho vay chương trình này từ 6 triệu lên 12 triệu đồng/công trình để bảo đảm đồng vốn vay được sử dụng hiệu quả; ưu tiên bố trí vốn triển khai chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê nhà ở xã hội; xây nhà mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở…
Nhiều ý kiến khác cho rằng, các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... tăng cường ủy thác thêm nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, chung tay hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách. Bản thân Ngân hàng Chính sách xã hội cần nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh mức cho vay theo hướng đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.