Nguồn sáng chân lý
Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 01/11/2017
Lãnh tụ V.I.Lênin đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu |
Ngày 31-10, tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”. Không chỉ chứng minh tính hiện thực của chủ nghĩa xã hội, Cách mạng Tháng Mười Nga còn như một nguồn sáng chân lý rực rỡ, mở ra con đường giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc.
“Một chế độ xã hội nhân văn chưa từng có”
Đề dẫn tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, với Cách mạng Tháng Mười Nga, lịch sử thế giới đã mở ra một trang mới đầy hào hùng. Lần đầu tiên trên thế giới, chính quyền đã từ trong tay thiểu số người bóc lột chuyển sang tay đa số người lao động bị bóc lột vươn lên làm chủ. Cách mạng Tháng Mười đã thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiệt huyết và lý tưởng cộng sản, châm ngòi cho những thắng lợi vang dội của phong trào cách mạng các nước thuộc địa chống lại ách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã đưa ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin đến với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và được truyền đến Việt Nam như một nguồn sáng chân lý rực rỡ, mở ra con đường cứu nước cho cả dân tộc, con đường cách mạng vô sản”.
Hơn 10 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, sinh viên cùng nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp tại cuộc tọa đàm đã cung cấp thêm những góc nhìn mới, những nhận định về giá trị và sức ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười. Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Shafinskia Natalia Valerievna nhận định: “Không ai có thể phủ nhận một điều là, do kết quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười, lịch sử thế giới đã thay đổi. Nguyên nhân của những thay đổi đã diễn ra trên thế giới không chỉ do quy mô thay đổi chính trị, kinh tế và văn hóa tại Nga sau cuộc cách mạng, mà còn ở sự hấp dẫn của hệ tư tưởng về sự bình đẳng xã hội và quốc gia đã lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới”.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tạo nên một chế độ xã hội nhân văn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, mang lại sức mạnh to lớn cả về tinh thần và của cải cho Liên bang Xô Viết hùng mạnh, lực lượng chủ công đương đầu và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới lần thứ hai”.
Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự sáng tạo
Biển người tại Mátxcơva ủng hộ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu |
Bàn về những bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, Cách mạng Tháng Mười và tư tưởng của lãnh tụ V.I.Lênin để lại những kinh nghiệm quý báu về công tác vận động quần chúng, hiện còn nguyên giá trị. V.I.Lênin chỉ ra rằng, sự liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân là điều kiện quan trọng nhất, căn bản nhất cho hoạt động của Đảng Cộng sản. Người đã nói: “Chúng ta không chấp chính bằng cách chia rẽ, mà bằng cách tạo ra giữa tất cả mọi người lao động những mối liên hệ keo sơn về những quyền lợi thiết thân và ý thức giai cấp”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Vận dụng những tư tưởng, quan điểm của V.I.Lênin, chúng ta tiếp tục xây dựng phong cách và phương thức công tác vận động quần chúng phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Công tác vận động quần chúng không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn mà còn phụ thuộc ở thái độ, phong cách, phương thức công tác của cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Phải quán triệt và kiên trì xây dựng quan điểm “dân là chủ”, “dân làm chủ”, “cán bộ, đảng viên là công bộc của dân”, chống mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền với dân...”.
Năm 1991, sau 74 năm tồn tại với những thành tựu vĩ đại, Liên Xô và cùng với nó là chủ nghĩa xã hội hiện thực mô hình Xô Viết sụp đổ. Nhiều ý kiến nhấn mạnh sự nguy hiểm của chủ nghĩa giáo điều và cho rằng, nếu không thận trọng thì trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị hiện nay, các tổ chức đảng đều có thể mắc phải.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Ninh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, Việt Nam và Liên Xô đều tiến hành công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, Việt Nam cần học kinh nghiệm của Liên Xô, tuy nhiên: “Ta không thể giống Liên Xô vì Liên Xô có phong tục, tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác”; “Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô đó cũng là mác xít...”.
Phân tích nguyên nhân, những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn chỉ ra 7 sai lầm cần lưu ý. Trong đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Sai lầm trong nhận thức lý luận về Đảng, bỏ qua những vấn đề có tính nguyên tắc về tổ chức Đảng, về công tác cán bộ của Đảng là sự phá hoại Đảng từ bên trong”; “việc hạn chế dân chủ như một thứ rào cản, hạn chế sự sáng tạo trong xã hội, hạn chế vai trò của nhân dân trong giám sát quyền lực, phản biện các chính sách xã hội”...
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: “Sức sống của Chủ nghĩa Mác - Lênin chính là sáng tạo không ngừng, phát triển không ngừng trong điều kiện thực tế xã hội biến đổi không ngừng".