Làm tốt ngay từ cơ sở

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 02/11/2017

(HNM) - Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nếu không làm tốt, đây chính là lực cản lớn cho các địa phương trong việc tạo ổn định, đồng thuận để phát triển.


Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, ngày 26-5-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 123-KH/TU để thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ và xem công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của thành phố.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm nâng cao công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vì mục tiêu xây dựng Thủ đô ổn định chính trị, ngày càng văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn còn hạn chế. Đây chính là ngọn nguồn dẫn đến việc phát sinh nhiều vụ khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo tập thể, tạo thành những “điểm nóng” về an ninh - chính trị.

Rõ nhất là chất lượng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp quận, huyện, thị xã còn hạn chế. Có địa phương bố trí cơ sở tiếp dân còn qua loa, đại khái; đơn thư giải quyết không dứt điểm, đùn đẩy lên cấp trên. Kết quả tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo chưa cao; tiến độ tổ chức thực hiện các kết luận giải quyết tố cáo còn chậm, kéo dài, không có lộ trình giải quyết cụ thể và giải pháp khắc phục những sai phạm đã nêu trong kết luận; nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền cấp huyện đã thực hiện xong, nhưng chậm ban hành văn bản thông báo trả lời công dân, kết thúc vụ việc.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của các sở, ngành chức năng với UBND các quận, huyện, thị xã trong việc giải quyết các vụ việc có lúc chưa kịp thời; việc ban hành văn bản xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra chưa bảo đảm đúng thời hạn quy định...

Thời gian qua, việc khiếu nại, tố cáo của người dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, để giải quyết tốt, điều đầu tiên cần làm là chính quyền cơ sở phải sát sao, chủ động giải quyết vụ việc từ cơ sở. Theo đó, lãnh đạo phải đặt địa vị mình vào người dân để giải quyết từng vụ việc một cách có lý, có tình; định kỳ lãnh đạo chính quyền cấp trên phải dành thời gian tiếp dân và trực tiếp về cơ sở để giải quyết đơn thư của người dân. Khi phát sinh những việc vượt thẩm quyền, chính quyền cơ sở cần chủ động đề xuất, phối hợp với các cơ quan của thành phố, trung ương sớm có hướng xử lý, không để vụ việc trở thành “điểm nóng”.

Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng từ đó phân loại và đặt lộ trình xử lý dứt điểm. Đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Rõ ràng, những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ chính quyền cơ sở đã dẫn đến việc người dân mất niềm tin; là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp làm gia tăng khiếu nại vượt cấp và kéo dài phức tạp. Để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện vượt cấp, hơn lúc nào hết, chính quyền cơ sở phải làm tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, thực hiện tốt công tác dân vận, khắc phục những nguyên nhân cơ bản trên; có như vậy mới giải quyết được vấn đề tận gốc.

Đan Nhiễm