Ám ảnh khủng bố phủ bóng nước Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 02/11/2017
Vụ tấn công bằng xe bán tải vào người đi đường tại khu vực Hạ Manhattan khiến New York (Mỹ) náo loạn. |
Sự việc xảy ra chiều 31-10 (giờ địa phương), một kẻ tấn công điều khiển xe bán tải lao thẳng vào làn đường dành cho xe đạp và người đi bộ ở khu vực Hạ Manhattan, khiến 8 người thiệt mạng và 12 người khác bị thương. Nghi phạm đã bị cảnh sát bắn trọng thương và bắt giữ ngay sau đó. Danh tính kẻ này là Sayfullo Habibullaevic Saipov, 29 tuổi, người gốc Uzbekistan.
Khi lục soát xe của nghi phạm, cảnh sát tìm thấy hình ảnh cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giấy viết tay thề trung thành với tổ chức khủng bố. Giới chức Mỹ coi đây là một vụ tấn công khủng bố và đang tiến hành điều tra. Vụ việc khiến trung tâm New York hỗn loạn. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo gọi đây là một vụ tấn công "đơn độc".
Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tăng cường hơn nữa việc kiểm tra nghiêm ngặt khách du lịch nước ngoài tới xứ Cờ hoa, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ không để những phần tử thánh chiến của IS xâm nhập vào Mỹ.
Có thể nói, đây là vụ khủng bố đẫm máu có người chết đầu tiên tại New York kể từ vụ khủng bố bằng máy bay ngày 11-9-2001 do tổ chức Al-Qaeda tiến hành nhằm vào Tòa tháp đôi ở New York, làm gần 3.000 người thiệt mạng. Sự việc xảy ra trong bối cảnh nhiều vụ tấn công tương tự đã xảy ra ở nhiều nước Châu Âu như Anh, Pháp, Đức… thời gian qua sau lời xúi giục của phiến quân IS.
Thực tế, sau vụ 11-9 năm 2001, Mỹ đã đạt được những thành quả nhất định trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổ chức khủng bố lớn nhất thế giới vào thời điểm hiện tại là IS đang liên tiếp hứng chịu nhiều thất bại mang tính chiến lược ở các thành phố trọng yếu mà chúng nắm giữ như: Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tư lệnh các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ, Tướng Raymond Tony Thomas cho biết, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt khoảng 60.000-70.000 phiến quân IS. Ngoài ra, mối đe dọa do “những chiến binh thánh chiến” người Mỹ được IS hoặc các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan huấn luyện quay lại tấn công nước Mỹ được cho là "không đáng lo ngại" bằng tại các nước Châu Âu.
Tuy nhiên, những tin tức tốt lành đó vẫn chưa đủ để người dân Mỹ thực sự yên tâm. Kể từ năm 2014 đến nay, đã có 6 vụ tấn công khủng bố kiểu Hồi giáo cực đoan trên đất Mỹ khiến 74 người thiệt mạng. Đáng chú ý, những kẻ thực hiện các vụ tấn công này lại là những công dân Mỹ có thẻ cư trú lâu dài chứ không phải những tên khủng bố đến từ nước ngoài.
Chuyên gia chống khủng bố người Israel Gabriel Weimann nhận định, các cuộc tấn công kiểu “sói đơn độc” có chiều hướng lan rộng. Các phần tử bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan của IS ở bất cứ đâu và dưới bất cứ "bộ mặt" nào đều có thể ra tay khủng bố. Ở Châu Âu hay Mỹ, nguy cơ bị khủng bố ám ảnh, hiện hữu ngay tại mỗi con đường, góc phố, thậm chí từ một chiếc xe tải.
Các nhà phân tích cho rằng, lệnh cấm nhập cảnh tạm thời của Tổng thống D.Trump nhằm vào những đối tượng đến từ một số nước Hồi giáo chưa có tác dụng với những mối đe dọa kiểu này. Ngay cả lệnh cấm đi lại cũng được cho là vô hiệu trước sự lan truyền quá nhanh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trên internet.
Sau 16 năm kể từ vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ cũng như thế giới vẫn chưa có một chiến lược hiệu quả mang tính toàn cầu, vẫn chỉ là những giải pháp vũ lực trước một đối thủ vô hình. Chống bạo lực - khủng bố là chặng đường dài phải đi và Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác cần một sự thay đổi về tư duy chiến lược mới có thể đến được đích cuối cùng.