Siết chặt kỷ cương, tăng cường hiệu quả

Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 02/11/2017

(HNM) - Quyết tâm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp công dân. Ảnh: Nhật Nam


Triển khai tích cực, đồng bộ

Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, Hà Nội đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, bài bản, góp phần đắc lực cho việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển của Thủ đô, đất nước.

Sau khi Chỉ thị 35-CT/TƯ được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Số vụ khiếu nại, tố cáo được giải quyết hằng năm đạt tỷ lệ lần lượt là 90% và 82%. Qua đó, các cơ quan thành phố đã thu hồi cho Nhà nước 7,24 tỷ đồng và trên 90.000m2 đất; trả lại cho công dân trên 14,5 tỷ đồng và gần 30.000m2 đất; điều chỉnh, bổ sung 73 phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Đáng chú ý, có 85 tập thể và 257 cá nhân sai phạm bị kiểm điểm trách nhiệm và 6 vụ việc chuyển cơ quan điều tra.

Với tinh thần sáng tạo, đổi mới, ngày 16-12-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội”, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy về công tác này.
Kết quả 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua đánh giá, Thành ủy xác định còn 5 nhóm hạn chế tồn tại. Trong đó, có địa phương, cơ sở tiếp công dân còn qua loa, đại khái; giải quyết đơn thư không dứt điểm, còn đùn đẩy.

Theo Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy, một số cơ quan, thủ trưởng cơ quan chưa thường xuyên trực tiếp thực hiện đúng việc tiếp công dân định kỳ, chưa chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp; có nơi mới giải quyết đơn thư hết thẩm quyền chứ chưa quan tâm giải quyết dứt điểm vụ việc... Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Ngoài hơn 80 vụ việc được ghi trong nghị quyết của HĐND thành phố, qua rà soát hiện còn 181 vụ khiếu nại và 97 vụ tố cáo tồn đọng. Đây là những vụ tồn đọng từ các khóa trước, như vụ ao Cây Dừa ở quận Hoàng Mai tồn đọng từ năm 1998 đến nay”.

Từ thực tiễn 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TƯ, Hà Nội rút ra 4 bài học kinh nghiệm, trong đó thành phố nhấn mạnh phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hạn chế còn tồn tại.

6 kiến nghị gửi các cơ quan trung ương

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TƯ, Thành ủy Hà Nội nêu 6 kiến nghị với các cơ quan trung ương, trong đó có 5 kiến nghị với Chính phủ. Nổi bật là các nội dung: Ban hành nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật; quy định cụ thể về chế độ khen thưởng đối với người tố cáo đúng, chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật...


Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm

Về giải pháp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 35-CT/TƯ, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, đối thoại với công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo rất quan trọng; nhưng việc chuẩn bị nội dung đối thoại còn quan trọng hơn. Không nắm được vấn đề, không hiểu rõ quy định pháp luật, không thể đối thoại với người dân.

Phó Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy cũng nhận định, khi công dân tìm đến bí thư, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thì vụ việc đã diễn biến phức tạp. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, lãnh đạo quận, huyện, thị xã nên giao cho cán bộ tham mưu xem xét hồ sơ, đề xuất giải pháp trước khi tiếp dân thay vì cách làm như hiện nay là tiếp dân chỉ để nhận hồ sơ, nghe kiến nghị.

Với tinh thần tiếp tục đổi mới, sáng tạo, khẳng định quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan thanh tra nhà nước đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với thủ trưởng và cán bộ, công chức có trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới; tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, đông người...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Phải kiên quyết xử lý đối với những trường hợp có hành vi cản trở, bao che không giải quyết khiếu nại, tố cáo, vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo; phối hợp đồng bộ giữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và thi hành kỷ luật Đảng. Nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động của các cơ quan pháp luật, các cơ quan khối nội chính, các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy”.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tới đây, từng quận, huyện, thị xã và sở, ngành phải rà soát lại xem đơn vị mình còn bao nhiêu vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân chưa giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm để có biện pháp, với mục tiêu bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và trật tự an toàn xã hội. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện một cách trách nhiệm hơn. Đặc biệt, không được chủ quan bởi có những vụ việc bức xúc rất nhỏ, những vụ khiếu nại, tố cáo tuy chưa phức tạp nhưng nếu không giải quyết kịp thời có thể bùng lên thành điểm “nóng”.

Hiền Lương