Tạo sự đồng thuận xã hội
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 03/11/2017
Ngày 27-7-2017, Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chính thức thông qua chương trình tổng thể, xác định chương trình giáo dục phổ thông gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Dự kiến, từ năm học 2018-2019 sẽ triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Với nhiều ưu điểm, chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung chương trình, thời gian áp dụng và cơ sở vật chất để triển khai thực hiện… Đây cũng là nội dung được các đại biểu tham dự kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về đề xuất của Bộ GD-ĐT lùi thời gian triển khai chương trình một năm so với dự kiến.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới trong năm học 2018-2019 khó khả thi do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới mang tính đổi mới toàn diện, nếu thực hiện gấp sẽ khó đạt được yêu cầu, mục đích đề ra ban đầu. Vì thế, cần có lộ trình cụ thể; trước khi thực hiện đại trà cần triển khai thí điểm từng khối lớp, môn học để rút kinh nghiệm từ thực tế.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhất trí với đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian một năm cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới; đồng thời đề nghị tăng cường truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội về đổi mới giáo dục.
Như vậy, các đơn vị, địa phương sẽ có thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng, biên soạn, thẩm định, thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện chương trình. Đặc biệt, các địa phương có thêm thời gian để điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình.
Xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới là đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước hội nhập với nền giáo dục quốc tế. Nhưng không thể “nóng vội” bởi mọi sự thay đổi không chỉ tác động đến một năm học mà là với nhiều thế hệ tương lai của đất nước. Tuy vậy, cũng không nên kéo quá dài thời gian chuẩn bị, sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong ngành Giáo dục và xã hội.
Vì thế, việc đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện, có sự lưu tâm thỏa đáng đến khả năng đáp ứng (cả cấp trung ương và địa phương) cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện… là những điều kiện cần thiết để bảo đảm chương trình được triển khai thành công.