Bỏ phù hiệu taxi có rối thị trường?

Giao thông - Ngày đăng : 07:37, 03/11/2017

(HNM) - Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cũng như một số chuyên gia giao thông khẳng định, không có phù hiệu, biển hiệu, không có


Làm khó doanh nghiệp?

Đề xuất trên bắt nguồn từ ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng, các quy định về cấp phù hiệu, biển hiệu, "hạn ngạch" trong kinh doanh vận tải nói chung, taxi nói riêng chính là một loại "giấy phép con" gây khó khăn cho doanh nghiệp và các chủ xe. Đặc biệt, với hoạt động vận tải khách bằng taxi, những năm qua mặc dù Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp quản lý nhằm hạn chế sự gia tăng phương tiện mới, song lại chưa có giải pháp khống chế sự bùng nổ của loại hình taxi công nghệ như Uber, Grab khiến cho lượng xe đăng ký tham gia tăng mạnh (gần gấp đôi taxi truyền thống), tạo nên sự bất bình đẳng và phá vỡ quy hoạch taxi của hai địa phương này.

Thực tế đang cần một quy chế quản lý hiệu quả hoạt động của xe taxi. Ảnh: Thái Hiền


Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, Hà Nội đã dừng cấp phép tăng thêm taxi từ năm 2012 và taxi truyền thống ổn định ở mức khoảng 19.000 xe. Tuy nhiên, từ khi Grab, Uber được phép hoạt động, lượng xe ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ tăng rất nhanh, lên tới hơn 50.000 chiếc (trong đó tại Hà Nội hơn 25.000 chiếc). Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông trầm trọng. Do đó, cần có biện pháp quản lý đầu xe đối với “taxi công nghệ” để cân bằng số lượng xe taxi của thành phố.

Ông Đặng Tuấn Anh, Giám đốc Taxi Thành Lợi kiến nghị, nên tuân theo quy luật của thị trường, để thị trường tự điều tiết thay vì ra “hạn ngạch”. Doanh nghiệp chẳng bao giờ bỏ tiền đầu tư nhiều xe trong khi nhu cầu của thị trường đã đến ngưỡng.

Một số doanh nghiệp cho rằng, phù hiệu là để nhận biết xe kinh doanh vận tải, nhưng trên thực tế phù hiệu không có nhiều tác dụng, chất lượng rất kém nên chỉ được một vài tháng lưu hành đã bị mờ, thông tin không rõ ràng. Việc cấp phù hiệu cũng phát sinh nhiều thủ tục hành chính, ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, nên bỏ quy định cấp phù hiệu để tránh gây phiền phức, thay vào đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, giám sát phương tiện.

Sẽ rối loạn thị trường

Trong khi nhiều doanh nghiệp muốn bỏ quy định về "hạn ngạch", phù hiệu, biển hiệu, thì đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia lại khẳng định không thể bỏ. Ách tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã rất trầm trọng, nếu không có quy hoạch, không có phương án điều hành chung sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường kinh doanh vận tải, gây áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông. Hiện nay, tình trạng hàng ngàn taxi ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Do đó, giải pháp phù hợp là phải khống chế số lượng xe Uber, Grab.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mục tiêu chính của cấp phù hiệu, biển hiệu là giúp các cơ quan chức năng dễ xác định xe đó thuộc doanh nghiệp nào. Trong trường hợp lưu thông trên đường, nếu xảy ra vấn đề gì có thể dễ dàng xác định được chủ thể.

Đại diện Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, phải có quy hoạch phương tiện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng không làm nảy sinh số lượng phương tiện dư thừa, làm tăng tỷ lệ chạy rỗng, không hiệu quả. Đối với sự gia tăng nhanh của loại hình taxi công nghệ Uber, Grab, Hà Nội đã đề nghị với Bộ GT-VT sớm dừng thí điểm để đánh giá hiệu quả; dán logo, phù hiệu để phục vụ công tác quản lý; nghiên cứu cắm biển hạn chế hoạt động trên một số tuyến đường, khu vực giống như taxi truyền thống... Sau khi Bộ GT-VT chấm dứt thí điểm và ban hành các thông tư hướng dẫn, thành phố sẽ có các giải pháp quản lý loại hình này một cách phù hợp với điều kiện của địa phương.

TP Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn. Đáng chú ý, trong quy chế này là Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động cho xe taxi theo địa giới hành chính (chia thành 2 vùng); từng bước thống nhất màu sơn; bố trí điểm đỗ, đón trả khách cho taxi tại từng vùng theo đúng quy hoạch. Tất cả các xe taxi phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật như đăng ký, đăng kiểm, thông tin liên lạc, phù hiệu, hộp đèn, đồng hồ tính cước, thiết bị giám sát hành trình...

Bên cạnh đó, số lượng xe hết niên hạn sử dụng hằng năm được thay thế phải thông qua đấu giá quyền khai thác. Số lượng xe thay thế hằng năm và số lượng xe tăng thêm phải tuân theo quy hoạch vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Công tác quản lý sẽ ngày càng được siết chặt hơn nữa nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện hạ tầng; đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách một cách văn minh và an toàn; cùng với đó, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng giữa các hãng taxi...

Bộ GT-VT vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về hoạt động của Uber, Grab, văn bản nêu rõ: Việc triển khai kế hoạch thí điểm là hoàn toàn phù hợp với quy định và chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GT-VT cho biết đã kiến nghị Chính phủ cho phép các địa phương đã thí điểm khi tổng số lượng xe hợp đồng tăng cao thì được tạm thời không cấp mới phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi cho đến khi lập và thực hiện Quy hoạch về phương tiện và vận tải phù hợp với thực tiễn, tránh cung vượt cầu.

Với kiến nghị “Quản lý như taxi và đưa vào quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 đồng thời đề xuất cấp hạn ngạch cho taxi và xe Uber, Grab theo quy hoạch”, Bộ GT-VT nhấn mạnh, vấn đề này do TP Hà Nội triển khai thực hiện. Bộ chỉ phối hợp các nội dung liên quan theo chuyên ngành mà Bộ GT-VT quản lý...

Tuấn Lương