Bứt phá hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 03/11/2017

(HNM) - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2017, tức là đã đến thời điểm bứt phá để quyết định kết quả tăng trưởng GDP của nền kinh tế nước ta.


Đến nay đã hội đủ một số điều kiện, tình huống để vận dụng thời cơ, phát huy nỗ lực và những thành tựu đạt được nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017. Trong đó, những kết quả về thu hút vốn đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, dịch vụ, tăng trưởng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều ghi dấu ấn tích cực, trở thành yếu tố "đầu vào" cho tăng trưởng nói trên. Xuất phát từ thực tiễn và dự báo về tình hình sắp tới, Chính phủ vừa đưa ra dự báo là nền kinh tế có thể đạt và vượt cả 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Do đó, hiện tại chính là thời điểm bứt phá để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Đương nhiên, kết quả đang trông đợi vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó thông tin mới đáng ghi nhận là đã có thêm gần 128 nghìn doanh nghiệp, gồm đơn vị thành lập mới và quay trở lại hoạt động - đây là một kỷ lục so với cùng kỳ của các năm trước. Trong khi tình hình kinh doanh cũng cho thấy sự ổn định và khả quan hơn so với thời gian trước. Có hơn 54% số doanh nghiệp tin là kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng tới. Đặc biệt, ngành Công nghiệp chế tạo đang nổi lên, ngày càng khẳng định năng lực và sức cạnh tranh của mình, đóng góp tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xuất phát từ những diễn biến thực tế và kết quả khả quan nói trên, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tiếp tục tăng tốc cải cách, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; ngăn ngừa tình trạng nảy sinh “giấy phép con”. Đến nay, hoạt động này đã đi vào nền nếp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối đa; từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Cùng với đó, một số biện pháp quan trọng đang được triển khai nghiêm túc, đồng bộ với tinh thần quyết liệt, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý. Cụ thể, công tác điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp thực hiện mục tiêu hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp với kiểm soát lạm phát; giảm lãi suất cho vay. Đặc biệt, cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, có sự đóng góp lớn và kịp thời đối với kinh tế - xã hội bên cạnh công tác thu nộp ngân sách, chống thất thu, nợ đọng thuế...

Tiếp theo, Chính phủ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hướng tới mục tiêu bảo đảm giải ngân hết vốn được giao năm 2017. Đây là biện pháp nhằm tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa, nguyên vật liệu; từ đó tăng tính thanh khoản toàn thị trường cũng như để sớm đưa các công trình, dự án quan trọng đi vào hoạt động. Cùng với đó là tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch, khuyến khích khách trong và ngoài nước để mở rộng quy mô hoạt động và tăng nguồn thu; đồng thời chủ động tăng tốc xuất khẩu để khống chế nhập siêu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển mạnh mẽ từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng khả quan, đạt 173,7 tỷ USD, gần bằng cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Nếu giữ vững được đà tăng này, kết quả xuất khẩu cả năm 2017 có khả năng sẽ vượt mục tiêu đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò động lực chính của nền kinh tế.

Hồng Sơn