Cân nhắc kỹ khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Đời sống - Ngày đăng : 09:33, 04/11/2017

Rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tác động lớn đến cuộc sống người lao động khi về già và gia tăng tình trạng tái nghèo.

Giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN


Chính sách hưu trí chính là “cái lưới” bảo vệ NLĐ tránh bị rơi vào nghèo đói khi hết tuổi lao động. Trong thực tế, khi thực hiện Quyết định 176/HĐBT vào đầu những năm 1990, do sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh, có khoảng 700.000 lao động nhận BHXH một lần.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Khi đi giám sát và tiếp xúc cử tri, rất nhiều lao động về theo chế độ 176 phản ánh đời sống lâm vào khó khăn. Nay nhiều lao động lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục đóng BHXH. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định về vấn đề này nên không thể thực hiện được. Đây là bài học minh chứng rõ nhất cho các hệ luỵ của việc hưởng BHXH một lần".

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách vấn đề lương và BHXH nhận xét: "Việc thực thi quyết định 176 khiến nhiều lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng đã có báo cáo đánh giá về vấn đề này nên khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi và Luật Lao động, rất nhiều chuyên gia và địa phương đề xuất có quy định hạn chế rút BHXH một lần. Đồng thời, các cơ quan chức năng, đoàn thể phải mở rộng tuyên truyền để NLĐ cân nhắc kỹ khi rút BHXH một lần".

“Thực tế có rất nhiều người sau đó khi tìm công việc mới đã đóng BHXH lại từ đầu để nhận BHXH. Tuy nhiên, tỷ lệ nhận tiền lương hưu không được như trước do thời gian đóng ngắn”, ông Huân cho biết thêm.

Chia sẻ về tình trạng NLĐ gia tăng rút BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của NLĐ thấp, nên dù biết ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, song họ đành phải chấp nhận để lo cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách “sa thải” lao động cao tuổi, thường trên 35 tuổi để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH.

“Việc rút BHXH một lần gia tăng và sa thải lao động trên 35 tuổi tại các khu công nghiệp - khu chế xuất có sự liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu thống kê một cách tổng quát. Hiện tượng này xuất hiện từ năm 2010 và gia tăng trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, tình trạng rút BHXH một lần liên quan đến đề xuất tăng thời gian đóng BHXH, kéo dài tuổi nghỉ hưu… khiến nhiều người lo lắng nên đã lựa chọn nhận “một cục”, ông Quảng nhận xét.

Các chuyên gia về lao động - xã hội đều chung nhận định, tình trạng rút BHXH một lần là đáng báo động bởi nếu nhiều người ra khỏi hệ thống BHXH sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Về lâu dài, NLĐ sẽ thiệt thòi, bởi chưa già đã tiêu hết tiền dưỡng già; sau này không được hưởng lương hưu và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, NLĐ nên cân nhắc kỹ khi chọn hưởng BHXH một lần.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhận định, số người nhận BHXH một lần tăng là do họ chưa lường hết được rủi ro trong cuộc sống. Do đó, NLĐ cần tính toán để vừa đảm bảo cuộc sống hiện tại, vừa đảm bảo cho tương lai. Khi về già nếu không có lương hưu, sẽ dễ rơi vào bi kịch, hệ lụy khó lường. Ông Diệp cũng nhận định, đến năm 2018, chính sách BHXH có một số thay đổi về mức đóng, thời gian hưởng, nên có thể số người nhận BHXH một lần sẽ gia tăng. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần lưu tâm trong công tác tuyên truyền để NLĐ yên tâm tham gia BHXH tiếp.

Trong 22% tiền lương đóng BHXH hằng tháng vào quỹ hưu trí, tử tuất, thì NLĐ chỉ đóng có 8%, còn doanh nghiệp phải đóng 14%. “Nếu không đóng BHXH theo luật định, NLĐ cũng không thể lấy được 14% (khoản do chủ doanh nghiệp phải đóng) để… đi gửi ngân hàng. Đấy là chưa kể, nếu đồng tiền bị trượt giá, thì tiền gửi ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo; trong khi tiền lương hưu sẽ được Nhà nước điều tiết, chứ không bị ảnh hưởng bởi trượt giá. Do đó, người lao động cần cân nhắc kỹ, tính toán thiệt hơn khi rút BHXH một lần”, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Theo Tin Tức