Cách mạng Tháng Mười - Mốc son khởi đầu thời đại mới của nhân loại, kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam

Chính trị - Ngày đăng : 21:16, 04/11/2017

(HNMO) - Cách mạng Tháng Mười đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển và đảo lộn trật tự thế giới. Kết quả của cuộc cách mạng ấy là hình thái kinh tế - xã hội mới ra đời - hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.



Đồng thời, khai sinh một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; và chứng minh chân lý của thời đại: loài người từ bỏ chủ nghĩa tư bản để tiến lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan, một thực tế lịch sử không thể đảo ngược. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng của chúng ta. Chỉ có Cách mạng Tháng Mười thì khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng nhân loại lần đầu tiên mới được thực hiện trên thế giới; con người mới được tôn trọng, sống trong độc lập, hoà bình, tự do, ấm no, hạnh phúc, quyền con người mới được đề cao, tài năng và sức sáng tạo của họ mới được thừa nhận và phát huy.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười là xung lực cách mạng mạnh mẽ thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển; đưa giai cấp vô sản từ giai cấp “tự nó” trở thành “giai cấp cho ta”, vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại, “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới; đưa “bão táp cách mạng” từ Châu Âu lan toả sang Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, làm cho chủ nghĩa đế quốc và các thế lực hiếu chiến, chống chủ nghĩa xã hội trên thế giới phải “run sợ”, lùi bước, buộc phải xuống thang.

Thực tiễn cho thấy: Phát triển không bao giờ là một đường thẳng tắp mà diễn ra quanh co, phức tạp theo hình xoáy trôn ốc. Sự ra đời, tồn tại, phát triển và sụp đổ của các nước chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã nói lên điều đó. Song, không vì thế mà tiến trình lịch sử bị đảo lộn, lịch sử bị “ngưng đọng”, “thụt lùi”. Những tổn thất từ sự sụp đổ của một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô chỉ có thể làm chậm bước tiến của nhân loại trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, chứ không thể và không bao giờ xoá được lý tưởng Cách mạng Tháng Mười cũng như mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đã lựa chọn.

Kể từ khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nhân loại tiến bộ và những người có lương tri trên toàn thế giới đã có thời gian nhìn lại, suy ngẫm, kiểm nghiệm hiểu biết và thức tỉnh thêm nhiều điều. Hàng triệu người dân Xô Viết và nhân dân tiến bộ trên thế giới vẫn đang hướng về, biết ơn Cách mạng Tháng Mười, mong muốn tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã khắc ghi dấu ấn vào lịch sử, trở thành giá trị “vĩnh hằng” của một thời đại không thể xoá bỏ. Cách mạng Tháng Mười đã trở thành sự kiện chính trị trọng đại của thế kỷ XX, là biểu trưng của mọi điều tốt đẹp mà loài người vẫn đang hướng tới, tôn vinh, ngưỡng mộ và tin theo!

Cách mạng Tháng Mười và sự phát triển những giá trị của cuộc cách mạng là minh chứng hùng hồn khẳng định sự đúng đắn và sức sống bền vững của một học thuyết khoa học, cách mạng là học thuyết Mác - Lênin; vai trò, sứ mệnh lịch sử vĩ đại của giai cấp vô sản và tính khách quan của quy luật phát triển xã hội... Đó là thắng lợi của giai cấp vô sản và nhân dân các dân tộc Nga, đồng thời cũng là thắng lợi của giai cấp vô sản quốc tế và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đúng như điều V.I.Lênin khẳng định: “Không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế được”[1]. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười chỉ ra rằng, sức mạnh sáng tạo của quần chúng nhân dân là vô tận và chính họ chứ không phải ai khác là “người quyết định lịch sử, sáng tạo và làm nên lịch sử”. Dưới ảnh hưởng và tác động to lớn của Cách mạng Tháng Mười, bộ mặt chính trị xã hội của thế giới hiện đại đã có nhiều biến đổi: hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội ra đời là kết quả hợp quy luật của tiến trình phát triển lịch sử - tự nhiên.

Đi theo con đường mà V.I.Lênin và Cách mạng Tháng Mười vạch ra, cách mạng Việt Nam do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã liên tiếp giành nhiều thắng lợi, trong đó có những thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhân dân lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đỗi tự hào vì có những đóng góp quan trọng là tạo nên nội dung mới, sức mạnh mới của thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917.

Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, cần suy ngẫm, rút kinh nghiệm để chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay: bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng vô sản, luôn độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo, thường xuyên đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, đổi mới nhận thức, bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện lịch sử mới, chúng ta cần đổi mới nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam. Làm tốt điều này chính là làm tăng sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.

Đường lối đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo là sự sáng tạo trong vận dụng và phát triển lý luận Mác - Lênin, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu và Việt Nam chỉ ra rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là giáo điều, khô cứng; chủ nghĩa xã hội không phải là “cái bánh vẽ” cứ cầu mong là có ngay được. Thắng lợi của cách mạng vô sản mới chỉ là bước đầu, để có xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực cần phải có quá trình tìm tòi, xây dựng công phu, nghiêm túc. Không thể vì sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu mà đã vội quy kết đó là “sự phá sản”, “sự sụp đổ” của chủ nghĩa Mác - Lênin, của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thất bại của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười. Đối với nhân loại, học thuyết Mác chỉ có một và Cách mạng Tháng Mười cũng chỉ có một, song con đường thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà học thuyết Mác và lý tưởng Cách mạng Tháng Mười đặt ra hoàn toàn không phải chỉ có một. Vì vậy, sự sụp đổ “mô hình xã hội chủ nghĩa” ở Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sai lầm của Đảng Cộng sản khi đi ngược lại, làm trái nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười. Vì vậy, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, người cộng sản đều phải tỉnh tảo, sáng suốt, phải hiểu và thực hiện đúng những nguyên tắc mácxít lêninnít.

Giờ đây, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là một tất yếu khách quan. Lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn là niềm khát khao, mơ ước, sự hấp dẫn “diệu kỳ” đang lôi cuốn các dân tộc yêu chuộng hoà bình đi theo, làm theo. Thất bại tạm thời của chủ nghĩa xã hội không có nghĩa là con đường phát triển lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười vạch ra đã bị chặn đứng, nội dung thời đại đã bị thay đổi. Ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng Cách mạng Tháng Mười không bao giờ tắt. Nó đang được lớp lớp thế hệ nối tiếp nhau kế thừa, tiếp sức, giữ gìn và biến lý tưởng Cách mạng Tháng Mười thành hiện thực.

---------------------
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1987, tr. 615

Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Bá Dương