Tập trung cứu trợ người dân và phòng chống lũ sau bão số 12
Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 05/11/2017
Lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa cứu nạn nhân bị kẹt trong nhà sập. Ảnh: Xuân Ngọc |
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động phòng, chống nên mức độ thiệt hại đã hạn chế hơn so với cường độ bão giật cấp 15. Sau bão, công tác khắc phục hậu quả và phòng, chống thiệt hại do mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất... được Chính phủ, các địa phương coi là nhiệm vụ ưu tiên.
Ít nhất 37 người chết, mất tích
Khoảng 6h sáng 4-11, tâm bão số 12 đi vào đất liền các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa với sức gió giật mạnh cấp 11 đến cấp 15. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến tối 4-11, bão đã làm 1 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương; 50 tàu cá bị chìm; 2 lồng nuôi tôm hùm bị cuốn trôi; 16 ngôi nhà bị sập; hơn 1.000 ngôi nhà bị tốc mái; 1.000ha cao su; 17.000ha mía; 277ha lúa và hoa màu bị đổ gãy; hàng trăm trụ điện, trạm biến áp bị đổ; hệ thống giao thông bị ngập úng, ách tắc...
Nằm trong vùng tâm bão, huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề. Bão đã làm 3 người chết, 5 người bị thương, 1.900ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng; hơn 12.400 lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản bị sóng đánh vỡ; hơn 900 tàu thuyền của ngư dân bị hư hại; hơn 25.000 ngôi nhà bị tốc mái; gần 30 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn… Ngoài ra, mưa bão làm tháp truyền hình của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Vạn Ninh bị đổ; 7 khu dân cư với tổng số 370 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn…
Thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đến 17h30 ngày 4-11 cho thấy, bão số 12 đã làm 20 người chết, 17 người mất tích, 531 ngôi nhà bị sập đổ, 23.755 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hệ thống hạ tầng ngành Nông nghiệp, Điện lực, Viễn thông… bị thiệt hại nặng nề.
Ngoài ra, bão còn làm nhiều tàu vận tải, tàu cá bị chìm; nhiều tuyến quốc lộ đi qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam... bị ngập úng, sạt lở gây ách tắc giao thông. Các chuyến bay đi và đến các sân bay trong vùng ảnh hưởng của bão đều bị dừng.
Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân
Ngày 4-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác của Chính phủ đã đi đôn đốc công tác khắc phục hậu quả bão tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo các địa phương cho biết, đã huy động toàn bộ nhân lực, vật lực tham gia khắc phục hậu quả bão số 12. Trong đó đặc biệt chú ý tới công tác bảo đảm an ninh trật tự và di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…
Sau khi chia sẻ với khó khăn, mất mát, thiệt hại của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích; tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi khi vẫn còn sóng to, gió lớn; phải hướng dẫn nhân dân đi lại an toàn. Đặc biệt, các địa phương không để xảy ra tai nạn bởi những sự cố về điện, giao thông, sập nhà...
Nhận định tình hình mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất tiếp tục gây thiệt hại, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh khẩn trương sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm; đồng thời rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở, cương quyết sơ tán nhân dân đến vùng an toàn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các hồ chứa xung yếu, đã đầy nước, bảo đảm an toàn hồ đập, vùng hạ du… Khi bão lũ đi qua, các tỉnh phải tập trung lực lượng làm vệ sinh môi trường, khắc phục những hư hỏng tại các nơi như: Trường học, bệnh viện, công trình công cộng, dịch vụ, nhà cửa của nhân dân... Phó Thủ tướng đặc biệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để người dân bị đói, thiếu nước uống, thiếu nơi ở an toàn…
Trước tình hình bão và mưa lũ sau bão diễn biến phức tạp, tối 4-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên, ngư dân bị nạn do ảnh hưởng của bão số 12 trên vùng biển miền Trung trong đó có các thuyền viên của các tàu bị nạn tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định và chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại sau bão.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn và yêu cầu các bộ, ngành chức năng liên quan huy động tối đa các lực lượng, phương tiện triển khai ngay các biện pháp để tìm kiếm các nạn nhân còn đang bị mất tích, trôi dạt trên biển. Trong quá trình tìm kiếm, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện tham gia, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê các phương tiện và người còn đang bị nạn để tiếp tục tổ chức tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời...
Về khắc phục hậu quả bão số 12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến 17h chiều 4-11, ngành Điện đã khôi phục vận hành 5 đường dây 220kV, hơn 50% số trạm và đường dây 110kV bị sự cố do ảnh hưởng bão. Các công ty điện lực, Tổng công ty Điện lực Miền Trung tiếp tục nỗ lực khắc phục lưới điện trung áp và hạ áp tại 3 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Công suất phụ tải còn chưa khôi phục được khoảng 400MW.
Tỷ lệ phụ tải khôi phục được trên tổng số phụ tải bị ảnh hưởng ở Khánh Hòa là 30%, Phú Yên 25%, Bình Định 60%, Đắk Lắk 90%, Đắk Nông 75%. Riêng đối với hành khách đi máy bay đến các khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 12, các hãng hàng không lưu ý khách cần thường xuyên cập nhật thông tin trên website của các hãng để được hướng dẫn, chỉ dẫn kịp thời.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, một vài ngày tới các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to. Từ nay đến ngày 8-11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Khu vực Bắc Bộ ngày hôm nay (5-11), có mưa, mưa rào rải rác, trời chuyển rét; các tỉnh Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh... |