Những ảnh hưởng của “Văn học Nga - Xô viết với văn học Việt Nam”

Văn hóa - Ngày đăng : 18:05, 06/11/2017

(HNMO) - Ngày 6-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Văn học Nga - Xô Viết với văn học Việt Nam”, nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Tham dự có Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Hữu Thỉnh và đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học của Hội Nhà văn Việt Nam.


Đa số các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học tham dự hội thảo đều có chung nhận định, Văn học Nga-Xô viết có ảnh hưởng lớn tới văn học Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện vĩ đại nhất của cách mạng nhân dân, đưa nước Nga trở thành một cường quốc quân sự, chính trị, kinh tế, cứu nhân loại khỏi nạn phát xít, xây dựng nên một thành trì của cách mạng thế giới.

Với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga tạo tiền đề to lớn cho Cách mạng Tháng Tám, cho những cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Riêng với văn học Nga-Xô viết, Việt Nam đã có hơn nửa thế kỷ chứng kiến những ảnh hưởng to lớn, cùng những tinh hoa của văn học Nga-Xô viết với công chúng văn học, đặc biệt là văn học Việt Nam.

Tham luận tại hội nghị, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho biết, Cách mạng Tháng Mười Nga không ngừng thay đổi triệt để xã hội mà còn tác động sâu sắc đến mọi sáng tạo văn học nghệ thuật. Hầu hết các nhà văn nổi tiếng của nước Nga-Xô viết lúc bấy giờ đều hướng về Cách mạng Tháng Mười, dùng tài năng của mình phục vụ xã hội mới. M.Gorki trở thành ngọn cờ đầu trong việc khẳng định một nền văn học mới theo tinh thần của V.I. Lenin. Nhà thơ lớn Maiacopxki trong trường ca “V.I. Lenin” đã viết những câu thơ hết sức nồng nhiệt, chân thành “tôi tắm mình trong ánh sáng Lenin”. Ở Việt Nam, nhà văn hóa, nhà tri thức tiêu biểu Đặng Thai Mai cũng có những suy nghĩ tương tự. Ông từng cho rằng: "Nhiều người trong chúng ta đã học hỏi văn nghệ Xô viết qua những con đường khúc khuỷu. Riêng đối với tôi thì thực sự: Ánh sáng là từ phương Bắc rọi tới…”.


Nói đến văn học Xô viết, PGS, nhà văn, dịch giả Lê Sơn cho rằng, trước hết phải nói đến một đội ngũ đông đảo các nhà văn có uy tín, gồm nhiều thế hệ và sự đóng góp to lớn của họ vào cuộc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa và trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống phát xít Đức. Năm tháng đã qua đi, có biết bao vật đổi, sao rời, nhưng những ký ức của nền văn học Xô viết, một nền văn học cách mạng giàu tính chiến đấu, giàu chất nhân văn vốn được chiếu rọi bởi ánh sáng Tháng Mười sẽ còn đọng mãi trong tâm trí chúng ta.

PGS.TS Đào Tuấn Ảnh, Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đóng góp tham luận, nhận định về văn học thời kỳ cải tổ và hậu Xô viết (sau 1991), đây là thời kỳ còn ít được biết tới ở Việt Nam, cả ở bình diện lịch sử, lý luận văn học, lẫn thực tiễn sáng tác. Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng mang tính chất cách mạng (chuyển đổi từ hệ hình Xô viết sau hơn 70 năm, sang hệ hình Nga cho đến giờ ngót 30 năm) trong văn hoá Nga.

Là người khởi xướng thành lập Nhà lưu niệm về văn học Nga, dịch giả Hoàng Thúy Toàn cho rằng, những tư liệu sưu tập được cho thấy Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng tới việc chuyển hướng của văn học Việt Nam...

T. Minh