Chú trọng phòng, chống tham nhũng dạng "lợi ích nhóm", "sân sau"
Đời sống - Ngày đăng : 12:30, 06/11/2017
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT Quốc hội |
Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng
Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập năm 2016 đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai.
"Qua xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm", Tổng Thanh tra cho biết.
Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016).
Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can, so với cùng kỳ năm 2016 tăng 60 vụ, 103 bị can).
Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can (trong đó án mới là 215 vụ, 527 bị can); đã giải quyết 222 vụ, 488 bị can (đạt tỷ lệ 86,6%, giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước), trong đó truy tố 219 vụ, 481 bị can (chiếm 98,6% tổng số án đã giải quyết).
TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ). Có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016).
Các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất. Cơ quan chức năng đã thu hồi được gần 330 tỷ đồng, 314.000 USD và 3.700 m2 đất; kê biên nhiều bất động sản và tài sản khác.
Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền là 6.051,4 tỷ đồng; đã giải quyết xong 117 vụ việc với số tiền 1.154,5 tỷ đồng (tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2016).
“Thời gian tới, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng; khích lệ các nhân tố tích cực trong PCTN, củng cố niềm tin của nhân dân” - Tổng Thanh tra Chính phủ bày tỏ tin tưởng.
Khẩn trương vào cuộc những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. |
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy, Báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ các mặt về công tác PCTN; nêu những ưu điểm, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Đặc biệt, việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị được coi là “giải pháp của mọi giải pháp” để phòng ngừa tham nhũng vẫn còn hạn chế.
"Về kê khai tài sản thu nhập, kết quả xác minh chỉ phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri, còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định, nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận…" - Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của Công ty cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN, cần được Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này.
Việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu yếu từ nhiều năm nay. Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng.
"Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào, cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”"- Ủy ban Tư pháp dẫn số liệu làm minh chứng.
Ngoài ra, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng còn thấp, vẫn còn tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác; số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng; tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng lớn, được dư luận quan tâm tuy đã có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung còn nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị, đối với những vụ việc kê khai tài sản, bổ nhiệm cán bộ mà dư luận xã hội và cử tri bức xúc, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không có tiêu cực, tham nhũng, sớm kết luận, trả lời công luận, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; đồng thời cũng kịp thời bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trong năm 2018, bên cạnh việc chống các hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trong đó tập trung vào việc nhận diện, chỉ ra những biểu hiện cụ thể của loại hình tham nhũng này để kịp thời phát hiện và xử lý.