Người cao tuổi ở Seoul...
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:15, 06/11/2017
Cuộc sống vất vả của người cao tuổi ở Seoul. |
Oằn lưng mưu sinh
Lần trước đặt chân tới Hàn Quốc, hòa vào nhịp sống của giới trẻ xứ Kim Chi, tôi đã mang tò mò: sao quá nhiều người cao tuổi vẫn lao động nặng nhọc? Có lẽ, giống như một số quốc gia phát triển khác, người già ở đây không chịu được cảnh cô đơn nên họ tìm đến công việc để có thêm niềm vui. Hay, cũng có thể người già đã được hưởng lương hưu nên những công ty hay cá nhân thuê họ làm việc sẽ không phải chịu áp lực về trả tiền cho bảo hiểm cùng những chi phí khác? Trong chuyến trở lại đất nước đẹp xinh này, tôi đã cố gắng đi tìm câu trả lời.
Hẳn nhiều người nghĩ ở một đất nước phát triển như Hàn Quốc, người già sẽ được hưởng nhiều phúc lợi xã hội, không phải lo lắng cho cuộc sống thường nhật. Nhưng, thực tế không hoàn toàn như vậy. Sự phát triển quá nhanh của đất nước này đã khiến không ít người cao tuổi rơi vào cảnh túng thiếu vì lương hưu không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Lân la hỏi thăm một người đàn ông khoảng 70 tuổi, tên là Joo-woon trên đường đi tàu điện ngầm đến nhà một người bạn, tôi mới được biết đây là công việc không phải hiếm thấy ở Hàn Quốc. Mỗi ngày, người đàn ông này phải đi từ sáng đến tối mịt, thường là 9-10 tiếng để giao hàng. Ông Joo-won cho biết, đã nhận công việc này được 4 năm, mặc dù có 2 người con, nhưng vì hoàn cảnh của các con không khá giả, lại không muốn trở thành gánh nặng cho con, nên ông phải kiếm việc làm thêm.
Cũng giống như ông Joo-woon, tận dụng chính sách được sử dụng miễn phí tàu điện ngầm khi trên 65 tuổi ở Hàn Quốc, nhiều người cao tuổi nhận công việc nặng nhọc này và di chuyển bằng tàu điện ngầm để tiết kiệm chi phí đi lại. Không giống như một số quốc gia ở Châu Á với mô hình gia đình nhiều thế hệ, ở Hàn Quốc, gia đình theo kiểu con cái chăm sóc bố mẹ khi về già, ông bà trông nom con cháu không còn duy trì. Điều đó khiến không ít người rơi vào cảnh cô đơn, không người chăm sóc khi tuổi đã cao. Tôi vẫn bị ám ảnh bởi cảnh những người già ngồi ngẩn ngơ ở công viên, hay lang thang cô độc tại những chỗ đông người, những khuôn mặt mệt mỏi, kiệt sức ngồi cạnh những kiện hàng còn nặng hơn cả cơ thể họ...
Tuổi già không cô đơn
Song hành cùng mảng màu tối, trong bức tranh Hàn Quốc lần này, tôi muốn vẽ thêm những gam màu tươi sáng hơn. Vẫn là xoay quanh cuộc sống của những người cao tuổi, nhưng là những cuộc đời may mắn hơn, không phải đánh vật với gánh nặng cuộc đời. Họ là những người có điều kiện đến vũ trường, rạp chiếu phim và đi tập thể dục, thậm chí là hẹn hò...
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất khu vực. Với số lượng người cao tuổi khá nhiều, những người già nơi đây cũng tìm đến những niềm vui riêng để không phải sống trong cô đơn, bởi con cái họ còn phải bận rộn với cuộc sống riêng. Anh Jun-seo, đang sống ở một khu chung cư cách trung tâm thành phố khoảng 10km chia sẻ, trước đây mỗi tuần 3 lần, anh đưa mẹ đã hơn 80 tuổi đến trung tâm thành phố.
Theo yêu cầu của mẹ, anh để mẹ xuống một địa điểm để rồi sau đó bà biến mất trong suốt một ngày. Ban đầu Jun-seo không tò mò vì nghĩ mẹ anh đến nhà bạn bè chơi, nhưng vì diễn ra quá thường xuyên, cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần đến cùng một địa điểm, anh đã đi theo bà. Và ngạc nhiên là mẹ anh đến vũ trường dành cho người cao tuổi, một nơi vốn được coi là chốn hẹn hò lãng mạn của những người già ở Hàn Quốc. Đa số người đến đây để khiêu vũ, nhưng có những người chỉ đến để ngồi nhìn, thậm chí chỉ uống một cốc cà phê, nhưng họ có điều kiện để gặp nhau. Vì là nơi chỉ dành cho người cao tuổi, nên chỉ mở cửa vào 9h sáng và đóng cửa vào 17h chiều. Với giá vào cửa chỉ khoảng hơn 1.000 won (khoảng hơn 20.000 đồng), nên vũ trường này thu hút khá đông, khoảng hơn 1.000 người già mỗi ngày.
Anh Jun-seo cho biết, ở Seoul có rất nhiều sàn nhảy kiểu như thế này. Cùng với khiêu vũ, các rạp chiếu phim hay biểu diễn nghệ thuật cũng là nơi thu hút người cao tuổi. Không chọn những ngày cuối tuần, nhiều người già thường đến rạp xem phim vào ban ngày của những ngày thường. Cũng giống như các bạn trẻ, họ thường đi theo nhóm, khoảng 5-7 người, thậm chí là hơn 10 người. Họ cùng nhau xem phim, cùng đi ăn tại nhà hàng, cùng nói chuyện, họ kể về quá khứ, chia sẻ chuyện con cháu hiện tại...
Nhìn những người già với những khuôn mặt vui vẻ, hồ hởi, tôi cũng cảm thấy yêu đời, ngay cả khi đâu đó vẫn còn những hình bóng mệt mỏi, nặng nề của những mảnh đời xế chiều cực nhọc. Ở bất cứ nơi nào cũng vậy, niềm vui luôn song hành với nỗi buồn, trong hạnh phúc vẫn có khổ đau, may mắn vẫn ở cạnh bất hạnh.... nhưng cuộc sống cứ phải tiếp diễn. Tạm biệt Hàn Quốc, đất nước đẹp xinh với hàng nghìn câu chuyện ngôn tình trên phim ảnh và cả ngoài đời thực, tôi vẫn hy vọng mình sẽ còn quay lại nơi đây...