Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp APEC: Cơ hội và thách thức

Kinh tế - Ngày đăng : 07:02, 07/11/2017

(HNM) - Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu và cũng không nằm ngoài mối quan tâm của các nền kinh tế tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).


- Theo ông, sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang gặp những thách thức lớn nào?

- Hiện nay, các nền kinh tế tham gia APEC đều có chính sách để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ giữa các nền kinh tế đang tạo nên nhiều khoảng cách. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, chính sách, thể chế cũng là những thách thức lớn không chỉ đối với người trẻ khởi nghiệp mà ngay cả với các nhà đầu tư. Ngay “văn hóa” dám chịu thất bại, đứng lên sau thất bại để các nhà đầu tư tin tưởng và đầu tư dài hạn cũng là một thách thức không nhỏ đối với người trẻ.

Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế tăng cường trên bộ sách tô màu tại Ngày hội Sách và Khởi nghiệp TP Hà Nội 2017. Ảnh: Anh Tuấn


- Vậy ông nghĩ gì về tầm quan trọng của APEC đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp?

- APEC là thị trường lớn, rất tiềm năng. Nhiều nền kinh tế dẫn dắt toàn cầu cũng nằm trong khu vực này nên không có gì lạ khi các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi. Nhiều nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam đều đầu tư nguồn vốn ban đầu từ ngân sách địa phương, ngân sách từ Chính phủ, để giải quyết các thách thức xã hội, giúp hình thành lực lượng doanh nghiệp từ đổi mới sáng tạo, sau đó kéo tư nhân vào khi đã có lợi ích và lợi nhuận để phát triển bền vững. Những cách làm như thế đã tạo ra hệ sinh thái bền vững từ năng lực nội sinh, có nghĩa các nước thành viên đều là khách hàng, người mua và nhà đầu tư của nhau.

Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam sẽ thu được bài học từ các thành viên APEC về sự khai thác, liên kết và mở rộng, về việc chấp nhận xu hướng của công nghệ mới để thay đổi tư duy trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh.

Đáng lưu ý, trong nền kinh tế APEC có khá nhiều cộng đồng người Việt đã từng học tập, thành công và thành đạt trong kinh doanh. Nếu các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo biết tận dụng cơ hội, thì đây là kênh kết nối tốt nhất tới chỗ có những sản phẩm sáng tạo mới, các viện nghiên cứu, các trường đại học. Qua đó, giúp tiết kiệm chi phí và rút ngắn chặng đường đi, giảm thời gian nghiên cứu và đẩy nhanh quá trình tham gia trực tiếp vào chuỗi (gọi vốn, tìm nguồn nhân lực, làm thuê…). Nếu làm được như vậy thì sản phẩm đầu ra có thể thâm nhập vào các thị trường lớn, nơi có nhiều người Việt đang hoạt động xuất sắc. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là lực lượng tiềm năng nhưng chưa được chúng ta khai thác tốt. Vì vậy các doanh nghiệp nên tranh thủ, tận dụng những cơ hội này để phát huy năng lực xuyên biên giới giữa các nền kinh tế với nhau.

- Ông có thể cho biết thêm hiện nay các cơ chế, chính sách của APEC hỗ trợ gì cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam?

- Sự đổi mới, thay đổi cấu trúc cũng như có chiến lược kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra một làn sóng đổi mới sáng tạo trong khu vực APEC. Chính vì thế trong các chương trình nghị sự, sự hỗ trợ của APEC đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ, được triển khai là một cái nôi cơ sở dữ liệu về đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. APEC còn đem tới cơ hội lớn để những nhà sáng chế, những nhà nghiên cứu trong nước, doanh nghiệp có tầm nhìn rộng hơn và thực tế hơn. Bởi thay vì mày mò sáng chế tại chỗ, nhưng không nhìn ra bức tranh tổng thể, họ có thể tìm cách khai thác các thành quả chung, tránh sự lãng phí thời gian khi nghiên cứu lại. Theo tôi, hãy nghĩ đơn giản là chúng ta không học theo cách làm theo khuôn mẫu, mà học cách từ bỏ để lựa chọn, làm ra sản phẩm khác có lợi hơn.

- Theo ông, APEC còn phải làm gì để hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp tại các nền kinh tế như Việt Nam?

- Khi tham gia xây dựng hệ sinh thái ở phạm vi APEC, các nước phát triển cần có sự hỗ trợ và động viên những nước kém phát triển hơn để nâng tầm cả hệ sinh thái. Với một sân chơi lớn, các bên đều có lợi. Các chính sách liên quan tới đầu tư mạo hiểm như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển hướng đến thương mại hóa, mua sắm công… phải có định hướng đầu tiên tới khởi nghiệp. Nếu làm được điều đó sẽ tạo ra sân chơi tương đối bình đẳng, khuyến khích được công nghệ khởi nghiệp từ các nước.

- Ưu điểm nổi trội của APEC là sự liên kết nội khối rất chặt chẽ. Tuy nhiên, liệu đó có phải là ưu điểm khi nhìn trong tương quan so sánh với hệ sinh thái khởi nghiệp chung của toàn thế giới không?

- Châu Âu và một số khu vực nền kinh tế khác đều có sự liên kết. Nhưng liên kết chặt quá, đồng nhất nhiều thứ quá lại có thể gây nên sự chia rẽ, xung đột về lợi ích giữa các thành viên vì bản thân năng lực của các thành viên có sự chênh lệch. Vì vậy, sự liên kết cần có liều lượng để các bên cùng có lợi, để liên kết không có nghĩa là cào bằng hay đánh đồng mọi thứ. Hiện nay APEC vẫn theo xu hướng đó, vẫn tôn trọng cái riêng trong khi tạo ra sân chơi chung, miễn là các bên tham gia đều có lợi theo năng lực của mình.

Mai Hà