Những dấu mốc đặc biệt của ngành Bảo hiểm xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 12:36, 16/02/2023
Dấu mốc, cũng là bước ngoặt lớn đầu tiên đó là vào năm 1994, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua có quy định về việc hình thành Quỹ BHXH tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động và người lao động, được Nhà nước bảo hộ. Tiếp đó, ngày 26-1-1995, Chính phủ có Nghị định số 12/CP ban hành Điều lệ BHXH quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
Đến ngày 16-2-1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm 2002, hợp nhất tổ chức BHXH, BHYT. Từ thời điểm này, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý Quỹ BHXH, Quỹ BHYT theo quy định của pháp luật.
Năm 2006, Luật BHXH được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007, tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách BHXH, mở rộng số người tham gia. Nổi bật là chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ 1-1-2008 và bảo hiểm thất nghiệp từ 1-1-2009.
Năm 2009, Luật BHYT được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách BHYT cho thấy rõ, Luật BHYT ra đời giúp người dân có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, thiết thực bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2012, BHXH và BHYT được xác định là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22-22-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”. Nhờ quan điểm nhất quán này, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có BHXH và BHYT có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Năm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Luật Việc làm, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Từ đây, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện để chi trả trợ cấp thất nghiệp, đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề…
Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Đây là văn kiện quan trọng trong việc định hướng hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách BHXH, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu BHXH toàn dân.
Ngoài những dấu mốc đặc biệt nêu trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định quan trọng khác, tạo hành lang pháp lý, tạo đà cho sự phát triển toàn diện của ngành BHXH. Dẫn chứng là, đến thời điểm cuối năm 2022, BHXH có 17,5 triệu người tham gia, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; BHYT có 91,1 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân…