Phù hợp xu thế phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 08/11/2017
Sổ hộ khẩu là phương thức quản lý nhân khẩu của một hộ gia đình do một chủ hộ chịu trách nhiệm đứng tên. Từ hàng chục năm nay, sổ hộ khẩu đã thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với mỗi gia đình, cá nhân và các cấp chính quyền. Theo đó, tùy từng giai đoạn, sổ hộ khẩu có liên quan mật thiết, không tách rời với các nghĩa vụ, quyền lợi của công dân như phân chia ruộng đất, nhà ở, việc làm, học tập…
Có thể thấy, sổ hộ khẩu là công cụ quản lý dân cư cần thiết trong giai đoạn công nghệ thông tin chưa phát triển. Là người dân, ai cũng phải đăng ký hộ khẩu để Nhà nước quản lý về dân cư và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác. Rõ ràng, tự thân cái sổ là không “xấu”, nhưng phải thừa nhận thực tế, cũng từ “hộ khẩu” đã sinh ra không ít chuyện “dở khóc, dở cười”, một phần do hạn chế của phương thức quản lý cũ và phần khác do cách làm việc “trì trệ”, “nhũng nhiễu” của cán bộ ở một số nơi, khiến người dân bức xúc.
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, các tiện ích thông minh đã góp phần thay đổi nhanh chóng cách nghĩ và hành động của mỗi cá nhân, thì việc vẫn giữ lối quản lý dân cư cũ là không phù hợp. Bởi, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân mà chúng ta đang sử dụng mới chỉ phục vụ cho mục tiêu quản lý “hẹp” của ngành, lĩnh vực, chưa được kết nối, chia sẻ và khai thác để dùng chung. Đáng nói, khi giải quyết thủ tục hành chính, công dân phải “mang vác” nhiều loại giấy tờ để chứng minh, gây phiền hà, lãng phí.
Vì vậy, phải khẳng định, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có thông qua phương án của Bộ Công an bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu giấy, chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư, để thống nhất quản lý bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở cập nhật thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một quyết định phù hợp với xu thế phát triển. Thay đổi này cũng góp phần đáng kể vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong đó, trước tiên, Bộ Công an cần phối hợp với các địa phương tiếp tục hoàn tất toàn bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như căn cước công dân… Các bộ, ngành và các cấp chính quyền, với vai trò, trách nhiệm của mình, cũng rất cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, thống nhất trong triển khai, tăng cường chia sẻ thông tin. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ công tác ở các bộ phận, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với công dân như: Công an, thuế, y tế, bộ phận “một cửa”… cần cập nhật thông tin, tiếp tục thay đổi tác phong, lề lối làm việc để thích nghi với công nghệ mới, phương pháp mới.
Việc thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân không có nghĩa là buông lỏng quản lý lĩnh vực này. Vì thế, với ý thức trách nhiệm công dân, mỗi người cần nêu cao tinh thần “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” để việc thực hiện chủ trương phù hợp với xu thế này đạt hiệu quả cao nhất trong đời sống.