Văn hóa Việt Nam - Tìm hiểu và suy ngẫm

Xã hội - Ngày đăng : 08:50, 06/05/2005

Sách 570 trang khổ 14,5 x 20,5cm, in 79 bài của Bùi Văn Vượng viết trong khoảng thời gian 30 năm (1972-2002). Tập sách có 7 phần. Sau phần I “Khái lược về văn hóa”, phần II Bùi Văn Vượng khảo về “Phong tục tập quán”, kể từ chuyện “Dựng cây nêu ngày tết”, “Hoa với người Hà Nội”, “Mùa xuân và phong tục” đến Hội làng Trà Cổ và những nét đặc sắc văn hóa Chăm.

Sách 570 trang khổ 14,5 x 20,5cm, in 79 bài của Bùi Văn Vượng viết trong khoảng thời gian 30 năm (1972-2002). Tập sách có 7 phần. Sau phần I “Khái lược về văn hóa”, phần II Bùi Văn Vượng khảo về “Phong tục tập quán”, kể từ chuyện “Dựng cây nêu ngày tết”, “Hoa với người Hà Nội”, “Mùa xuân và phong tục” đến Hội làng Trà Cổ và những nét đặc sắc văn hóa Chăm.

Phần “Văn hóa - Văn minh” nói về Văn minh Lạc Việt thời các vua Hùng, giải mã các hình ở bãi đá cổ Sa Pa, giới thiệu di sản Hạ Long, chùa Hương và nhà vườn ở Huế. Từ xa xưa, ở Việt Nam đã biết ướp xác và kỹ thuật này đã đạt đỉnh cao, tiêu biểu là hai pho tượng táng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (Hà Tây). Vào đời Trần, Việt Nam có tứ đại khí: tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chuông Quy Điền, thápBáo Thiên (Hà Nội) và đỉnh Phổ Minh (Nam Định). Kỹ thuật đúc đồng tinh xảo được người đời sau tiếp nối và đặc biệt thành công ở Cửu đỉnh Huế. Tác giả miêu tả hình dáng, kích cỡ, thủ pháp nghệ thuật, bố cục trang trí và ý nghĩa các hình khắc trên đỉnh. “Đúc mỗi đỉnh, người ta phải huy động tới 60 lò nấu đồng góp lại. Mỗi lò chỉ nấu được 30-40kg đồng. Hàng trăm người từ phường đúc ở Huế và các phường danh tiếng trong cả nước làm việc liên tục trong 3 năm. Lượng đồng thau đúc Cửu đỉnh lên đến 20 tấn”.

Với nghề thủ công truyền thống, tác giả cho biết cách nay khoảng 2.000 - 2.800 năm, người Việt đã ổn định ít nhất 7 nhóm nghề thủ công lớn. Năm 1939 thợ thủ công ở cả 3 miền có khoảng 127.000 người. Tổng giá trị hàng thủ công đạt mức 125 triệu đồng Đông Dương, hơn hẳn công nghiệp và chỉ đứng sau nông nghiệp. Sách giới thiệu nghề thêu, chạm khắc đá, mỹ nghệ kim hoàn, đúc đồng... và một số làng nghề tiêu biểu như lụa tơ tằm Vạn Phúc ở Hà Tây, đóng giày ở Tam Lâm (Hải Dương), đóng thuyền ở Nam bộ, trồng hoa ở làng Tây Tựu (Từ Liêm).

Phần “Kinh đô thành lũy”, sách kể “Dấu tích Thăng Long trong lòng người Hà Nội”, họa lại địa dư Hà Nội thời vua Minh Mạng, bảng niên biểu những sự kiện lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, bắt đầu từ sự kiện An Dương Vương xây thành cổ Loa năm 257 trước Công nguyên đến sự kiện năm 2000 kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. ở phần này, Bùi Văn Vượng còn giới thiệu chi tiết kiến trúc cố đô Hoa Lư; kể những nét tương đồng và khác biệt trong kiến trúc, nghệ thuật trang trí và địa danh của hai kinh đô này. Bằng các di vật khảo cổ, truyền thuyết dân gian và tư liệu trong chính sử, tác giả vẽ lại con đường thiên đô của vua Lý Thái Tổ.

Phần “Sách và thư viện”, Bùi Văn Vượng đã có những trang nghiên cứu công phu sách Hán Nôm nói về địa lý, lịch sử. Ông giới thiệu kim sách (sách vàng) dùng ở triều đình; 8 cuốn sách đồng ghi thần tích hiện còn trên phạm vi cả nước, sách lá buông của người Khơme ở Nam bộ, giá trị sử dụng và kỹ thuật phục chế.

Ở cuối sách, tác giả giới thiệu công danh, hành trạng một số danh nhân lịch sử văn hóa.

Sách “Văn hóa Việt Nam - Tìm hiểu và suy ngẫm” được Bùi Văn Vượng soạn thảo công phu, thể hiện bằng văn phong giản dị, giàu hình ảnh, giàu tư liệu mà khi đọc xong, có nhiều vấn đề làm ta phải suy ngẫm. Những suy ngẫm ấy chắc sẽ giúp ích cho người đọc muốn tìm hiểu về văn hóa nước nhà.

HNM

ANHTHU