Thi hoa hậu, người đẹp: Tổ chức chuyên nghiệp mới mong hết tiêu cực!

Giải trí - Ngày đăng : 11:32, 10/11/2017

(HNMO) - Số lượng các cuộc thi được cấp phép tổ chức nhiều nhưng chất lượng từ những cuộc thi lại khiến dư luận băn khoăn khi các cuộc thi nhan sắc ngày càng có nhiều lùm xùm, tai tiếng.

Bà Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite Việt Nam.


- Là đơn vị nắm giữ bản quyền nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế, bà đánh giá thế nào về người đẹp Việt thể hiện ở các cuộc thi nhan sắc này trong những năm gần đây?

- Những năm gần đây, thí sinh Việt Nam đã có những thành tích khá tốt trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế, đặc biệt ở những cuộc thi lớn (Big 5) trên thế giới như: Nguyễn Thị Loan Top 25 Hoa hậu thế giới 2014, top 20 Hoa hậu Hòa bình thế giới; Lan Khuê top 11 hoa hậu Thế giới; Thuý Vân Á hậu 3 Hoa hậu Quốc tế; Khả Trang top 20 Hoa hậu Siêu Quốc gia, giải trang phục đẹp nhất; hay như vừa rồi Huyền My lọt top 16 Hoa hậu Hòa bình thế giới... Điều đó thể hiện việc các thí sinh Việt Nam đã dần chuyên nghiệp hơn trong việc chuẩn bị cho các cuộc thi lớn như kỹ năng biểu diễn, kỹ năng ứng xử, clip các hoạt động mà BTC yêu cầu, trang phục, các tiết mục biểu diễn...

Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng những thành tích này chưa phải là những thành tích bền vững mà hầu hết rơi vào những thí sinh có tố chất, thông minh và rất nỗ lực học hỏi, chuẩn bị cho cuộc thi. Điều chúng ta cần làm là phải có hệ thống đào tạo hoa hậu thật sự cho các thí sinh trước khi đến với các cuộc thi trong nước. Khi đó chúng ta mới thật sự có những thí sinh chuyên nghiệp để giành được những thành tích cao trong các cuộc thi

Nguyễn Thị Loan, Thúy Vân, Lan Khuê (từ trái qua phải) giành thành tích tốt tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.


- Thứ bậc trong các bảng xếp hạng về nhan sắc của Việt Nam có cải thiện nhiều so với trước, theo bà đó là nhờ may mắn hay vì nhờ vào sự đầu tư chuyên nghiệp của các người đẹp?

- Như tôi đã nói ở trên, thành tích cao của những thí sinh đi thi quốc tế, đặc biệt là ở những cuộc thi lớn chính là ở sự nỗ lực của các em. Hầu hết những thí sinh này đều thông minh, có ý chí rất cao khi tham dự cuộc thi chứ không chỉ ở mức độ tham gia để học hỏi. Các em nghiên cứu về cuộc thi kỹ càng, để có sự chuẩn bị cùng ekip được bài bản, chuyên nghiệp, từ đó giúp các em đạt được thành tích cao. Ngoài ra, không thể phủ nhận sự may mắn, nhưng sự may mắn này cũng dựa trên nền tảng sự chuyên nghiệp của các em.

* Bà nghĩ sao khi ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp, có lắm lùm xùm, thị phi, người trong cuộc “tố” xấu nhau?

- Tôi nghĩ đó là điều tất yếu thôi, càng nhiều cạnh tranh thì càng lắm vấn đề. Đến những cuộc thi lớn trên thế giới vẫn gặp phải những lùm xùm, kiện cáo nhau trong hoặc sau chung kết. Nhưng tôi tin dần dần khi chúng ta chuyên nghiệp hoá việc tổ chức thì những vấn đề tiêu cực sẽ bớt dần đi, để khán giả có thể được thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp đúng với ý nghĩa của nó.

* Những năm gần đây, hoa hậu đăng quang trong các cuộc thi đều bị chê xấu, theo bà phản ứng của dư luận khi chê bai nhan sắc của hoa hậu có quá đà?

- Thật ra cái đẹp là khái niệm khá mơ hồ vì nó nằm ở quan niệm, ở thẩm mỹ của mỗi người. Ví dụ cá nhân tôi thích vẻ đẹp văn minh, hiện đại như trán cao, miệng rộng, da nâu, có phong thái, nhưng người khác lại thích vẻ đẹp da trắng, miệng trái tim, e ấp... Chính vì thế, việc tranh cãi nhan sắc người đẹp là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, dù người đẹp đó có hợp với mình hay không thì cũng không thể xúc phạm, miệt thị, lăng mạ người khác. Quy luật đào thải của thị trường sẽ làm đúng chức năng của nó nếu như sản phẩm đó thật sự không có chất lượng.

Các cuộc thi nhan sắc phải có sự tổ chức chuyên nghiệp, bài bản và đúng quy chế mới mong không có điều tiếng.


- Trong các cuộc thi quốc tế, giới truyền thông trong nước hay tung hô thành tích của Việt Nam như dự đoán vào Top hay đặt ra những kỳ vọng. Phải chăng việc làm này khiến công chúng càng thêm thất vọng khi người đẹp Việt không đạt được như mong muốn?

- Thật ra việc tung hô, dự đoán kết quả của thí sinh cũng là điều bình thường, nó làm sôi động và tăng tính đa chiều trong việc nhận xét cuộc thi, thí sinh. Có thể khán giả Việt Nam quá yêu mến nhan sắc nên việc kỳ vọng vào các đại diện sắc đẹp khi đi thi cũng mạnh mẽ hơn khán giả các nước khác. Chúng ta cần tỉnh táo để hiểu rằng việc lot top hoặc giành những giải cao hơn nữa của Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc lớn hiện nay vẫn khá khó khăn. Điều chúng ta cần làm là phải có ngay hệ thống đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp và ủng hộ đại diện Việt Nam trong các cuộc thi hoa hậu quốc tế một cách tỉnh táo.

- Một trong những lý do khiến công chúng ngán ngấm các cuộc thi nhan sắc vì các người đẹp sau khi đăng quang chưa làm được nhiều việc cho xã hội. Bà có nghĩ vậy?

Hoa hậu là danh xưng và danh xưng đó được dùng để thực hiện những việc làm với mục đích cao quý như slogan của Hoa hậu Thế giới: "Sắc đẹp vì mục đích cao cả". Thật ra tôi biết nhiều người đẹp sau khi đăng quang đều có những hoạt động xã hội, tuy nhiên có thể hoạt động đó chưa đủ mạnh, hoặc truyền thông chưa đủ mạnh để khán giả biết và ghi nhận.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ những hoạt động xã hội thực sự có ý nghĩa thì các em cần phải có một ekip giúp đỡ và đồng hành, lên kế hoạch, chiến lược cụ thể, tỉ mỉ. Đó cũng là vấn đề mà các người đẹp cần rút kinh nghiệm để những hoạt động xã hội của mình thực sự mang ý nghĩa và đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng, xã hội.

- Cảm ơn bà về những chia sẻ!

Hoàng Lân (thực hiện)