Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới kỳ vọng vào hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:23, 10/11/2017

(HNMO) - Ngày 10-11, tại TP Đà Nẵng, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC đã bước sang ngày làm việc cuối cùng. Lãnh đạo nhiều nền kinh tế hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã có bài phát biểu trước 2.000 đại biểu tham dự hội nghị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống D.Trump gửi lời chia sẻ chân thành tới những nạn nhân của cơn bão Damrey vừa tràn qua Nam Trung Bộ Việt Nam: "Trái tim và tình cảm của người Mỹ hướng về Việt Nam, cầu nguyện cho Việt Nam".

Bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam, Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, Đà Nẵng trước đây từng là căn cứ quân sự của Mỹ, nơi chứng kiến rất nhiều thương vong của cả hai phía trong chiến tranh. Tuy nhiên, ngày hôm nay hai nước không còn là kẻ thù nữa. Đà Nẵng đã trở thành một thành phố phát triển, nhiều tàu bè qua lại và trở thành điểm đến của nhiều bạn bè quốc tế.

Nhận định về sự thay đổi của Việt Nam, Tổng thống D.Trump cho biết, đầu những năm 1990, một nửa dân số Việt Nam chỉ sống với mức vài USD một ngày. Ngày nay, với một nền kinh tế cởi mở, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc và sinh viên Việt Nam nằm trong nhóm sinh viên học giỏi nhất thế giới. Đó là sự chuyển mình ấn tượng của Việt Nam.

Tổng thống D.Trump cũng đề cập tới những thành tựu phát triển mà nước Mỹ đã đạt được trong thời gian qua: Tăng trưởng kinh tế đạt 3,2% và vẫn đang trên đà phát triển, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 17 năm, thị trường chứng khoán đạt mức cao...

Tổng thống D.Trump đồng thời khẳng định, nước Mỹ tự hào là một thành viên của APEC, tạo nên một ngôi nhà tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nước Mỹ đã là bạn bè, đối tác, đồng minh của nhiều thành viên trong khu vực này và tiếp tục là bạn bè, đối tác và đồng minh trong tương lai.

Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, nước Mỹ đã sẵn sàng để làm việc với các nhà lãnh đạo có mặt tại đây, sẵn sàng quan hệ đối tác với tất các nước trên cơ sở bình đẳng, công bằng, cùng tôn trọng và cùng có lợi. “Tôi tự tin rằng cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nếu chúng ta thành công và xây dựng mối quan hệ đối tác trên cở sở tôn trọng lẫn nhau thì chúng ta sẽ đạt được giấc mơ của mình”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế có đóng góp lớn cho động lực thế giới. Đã 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau nỗ lực, dù còn nhiều nguy cơ. Thương mại và đầu tư toàn cầu đang phát triển trở lại, con người ngày càng lạc quan về thị trường tài chính. Phát triển là con đường không có điểm kết, chỉ có điểm bắt đầu, từ điểm bắt đầu này tới điểm bắt đầu khác. Vì vậy cần theo dõi xu thế của nền kinh tế thế giới, nhận định chiều hướng mới, duy trì đường hướng hành động.

Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, thế giới đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong toàn cầu hóa, đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong bối cảnh này, toàn cầu hóa kinh tế cũng phải đối mặt với những điều chỉnh mới, phải làm sao cho quá trình này mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn và có lợi cho tất cả mọi người. Điều này cũng đòi hỏi hệ thống quản trị toàn cầu phải có những thay đổi tương ứng, phát triển chủ nghĩa đa phương thông qua phát triển quan hệ đối tác.

Trong đó, những nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương nên dẫn đầu cải cách kinh tế, hợp tác cùng nhau phát triển thay vì chần chừ, do dự và bỏ lỡ cơ hội. Cần tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế mở có lợi cho tất cả mọi người. Các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương hiểu điều này rất rõ, khiến toàn cầu hóa mở rộng hơn, bao trùm hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, các tầng lớp nhân dân, giúp các nước đang phát triển hưởng lợi nhiều hơn. Việc xây dựng khu vực thương mại tự do ở Châu Á - Thái Bình Dương là giấc mơ mà cộng đồng doanh nghệp cùng nuôi dưỡng và khu vực này không thể đứng ngoài cuộc trong tiến trình phát triển chung, bởi các nền kinh té Châu Á - Thái Bình Dương kết nối chặt chẽ với nhau và có lợi ích không thể tách rời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, phát triển kinh tế cần được thực hiện một cách bao trùm hơn bởi những cản trở đối với toàn cầu hóa kinh tế ngày nay chủ yếu tới từ sự thiếu bao trùm này. Trong những năm gần đây, nhiều biện pháp đã được thực hiện để thúc đẩy phát triển bao trùm và nhận được sự đồng thuận lớn. Các nền kinh tế cần tiếp tục vươn tới những nhóm người bất lợi trong xã hội, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để mọi người đều có phần của mình trong sự phát triển bao trùm đó. Đây là nỗ lực cần sự tham gia hành động của tất cả các nền kinh tế.

Trung Quốc cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn, tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, tạo ra mạng lưới thuận lợi hóa thương mại... Trung Quốc cũng cam kết duy trì sự phát triển hòa bình, ổn định trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, luôn tuân thủ nguyên tắc bảo đảm sự công bằng, vì lợi ích các nước và tạo ra khuôn khổ hợp tác quốc tế trong đó các bên cùng có lợi, vì một nền chính trị, kinh tế ngày càng công bằng hơn.

Trước đó, sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, mở đầu phiên thảo luận với chủ đề “Năng lượng hiệu quả và phát triển bền vững”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Chúng ta đã nhìn thấy những ảnh hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu, nhiều ngôi làng biến mất do nước biển dâng và đây là một nguy cơ có thật. New Zealand hiện cũng là một trong số các nước có nhiều người dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu nhất thế giới và đang trong quá trình thúc đẩy cải cách nông nghiệp, triển khai kế hoạch loại bỏ sử dụng điện than, hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Theo Thủ tướng J.Ardern, cộng đồng quốc tế cần ngừng thảo luận về việc biến đổi khí hậu có phải do con người tạo ra hay không mà hãy tập trung tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề này; đồng thời cho rằng sự tham gia của các chính phủ thông qua những cam kết dài hạn và mang tính bền vững đóng vai trò rất quan trọng trong lộ trình chống biến đổi khí hậu. Đây chắc chắn sẽ là một thách thức không nhỏ, nhưng New Zealand sẽ vận động các nhà lãnh đạo thế giới cùng hành động vì mục tiêu chung.

Thủ tướng J.Ardern cho rằng, không nên tách biệt giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, mà cần cân bằng hai mục tiêu này. Các chính phủ nên có kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp để cùng tham gia chống biến đổi khí hậu. Một số nước đang phát triển chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, nhưng cũng có nhu cầu sử dụng năng lượng rất lớn. Đây là một bài toán khó, nhưng họ sẽ không phải giải quyết một mình mà chắc chắn sẽ có sự hợp lực của cộng đồng thế giới.

Nói về chủ đề công nghệ số với doanh nghiệp, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho biết, Australia hiện có quỹ 600 triệu USD hỗ trợ cho các dự án tạo công ăn việc làm, trong đó có lĩnh vực công nghệ. Các đô thị lớn của Australia cũng đang ngày càng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ cao. Quá trình này diễn ra hết sức mạnh mẽ. Trong thời đại hiện nay, Internet đã tạo ra khuôn khổ hợp tác rất lớn, giảm thiểu rào cản đối với các doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường thương mại toàn cầu, tăng cơ hội xuất khẩu.

Theo Thủ tướng M.Turnbull, điều thế giới đang thiếu hiện nay không phải là công nghệ mà là trí tưởng tượng và tính sáng tạo. Bởi vậy, các chính phủ cần tăng cường tiếp cận người dân, tạo cơ hội để họ phát huy sức sáng tạo, đột phá và nhân lên sự hiểu biết của mình, trao quyền và đánh giá cao hơn nữa cho các ý tưởng cá nhân, nhằm tạo tiền đề cho phát triển lâu dài.

Quỳnh Dương - Minh Hiếu