Đối thoại toàn thể giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC)

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:22, 10/11/2017

(HNMO) - Chiều 10-11, Đối thoại toàn thể giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) đã diễn ra tại TP Đà Nẵng. Tham dự cuộc đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng 63 đại diện ABAC là các doanh nghiệp trong khu vực APEC.


Mở đầu phiên toàn thể, Chủ tịch ABAC 2017 Hoàng Văn Dũng báo cáo Chủ tịch nước Trần Đại Quang - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC những khuyến nghị của các thành viên ABAC trong năm nay.

Phiên Đối thoại toàn thể giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).


Phát biểu tại phiên toàn thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, nhất là liên kết kinh tế khu vực, kết nối, thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển bao trùm, an ninh lương thực, tầm nhìn APEC sau năm 2020… cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo APEC đang trăn trở và trao đổi để tìm ra giải pháp và hướng đi phù hợp.

Chủ tịch nước cho rằng, liên kết kinh tế, kết nối, tự do hóa thương mại và đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của hợp tác APEC. Các nền kinh tế thành viên đều cam kết sẽ đẩy mạnh hoàn tất việc thực hiện các Mục tiêu Bogor, trong đó tập trung hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và các biện pháp giảm rào cản phi thuế quan. APEC sẽ đẩy mạnh hơn việc triển khai các kế hoạch đã được thông qua, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề mới đang nổi lên.

Chủ tịch nước đánh giá cao đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, lực lượng lao động trong kỷ nguyên số và cho rằng đây là những vấn đề cấp thiết đặt ra nhằm bảo đảm tăng trưởng sáng tạo, bền vững và bao trùm.

Chủ tịch nước hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với ý tưởng xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020; đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực và cùng các nền kinh tế thành viên hoàn thành trọng trách xây dựng Tầm nhìn mới của Diễn đàn APEC. Chủ tịch nước cũng đề nghị APEC và ABAC tiếp tục phát huy cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, góp phần củng cố vai trò của APEC là một trong những diễn đàn hợp tác thành công nhất trong việc gắn kết giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung sức đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới để tạo ra những động lực mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu cao nhất của hợp tác APEC là vì doanh nghiệp, vì người dân.

Sau phiên toàn thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự 3 phiên thảo luận nhóm để cùng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các đại diện ABAC làm sáng tỏ hơn các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu; tích cực đóng góp để APEC trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân.

Cuộc đối thoại là sự kiện chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong Tuần lễ Cấp cao nhằm thúc đẩy trao đổi thực chất giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, góp phần triển khai những ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2017, đặc biệt là thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hướng tới xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ngày mai (11-11), lãnh đạo các nền kinh tế sẽ bàn thảo những định hướng nhằm đẩy nhanh hơn nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bogor, kết nối các chuỗi cung ứng, củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy các thỏa thuận thương mại khu vực và hướng tới xây dựng Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

Quỳnh Dương - Mai Chi