Dạy nghề cho lao động nông thôn - Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 12/11/2017

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TƯ, ngày 5-11-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (Chỉ thị 19), TP Hà Nội đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB và XH) Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn sẽ góp phần làm rõ hơn chủ trương nhất quán của thành phố: Dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu thực tế và bảo đảm chất lượng đầu ra.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn.


Triển khai bài bản, đúng đối tượng

- Bà đánh giá thế nào về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn?

- Có thể khẳng định, Chỉ thị 19 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009, (Quyết định 1956) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề, tìm kiếm việc làm. Đối tượng được hỗ trợ là lao động thuộc diện hưởng các chính sách ưu đãi, cho nên việc triển khai Chỉ thị 19 và Quyết định 1956 là giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực…TP Hà Nội có nhiều lao động thuộc diện hưởng các chính sách ưu đãi, nên công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai sâu rộng đã và đang giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, giúp các địa phương bứt phá...

- Vậy, Hà Nội đã triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn như thế nào?


- Những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã phổ biến, quán triệt nội dung Chỉ thị 19 và Quyết định 1956 đến các cấp ủy Đảng, chính quyền. UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn. Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 được thành lập từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn có lao động được hỗ trợ đào tạo nghề. Hằng năm, Ban Chỉ đạo 1956 tiến hành kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại nhiều địa phương. Các quận, huyện, thị xã xây dựng chỉ tiêu học nghề, tổ chức đào tạo nghề dựa trên nhu cầu của người học và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.

Việc đào tạo nghề được thực hiện bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực, bảo đảm cho người lao động có việc làm sau khi học nghề. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, từ năm 2012 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho hàng trăm giáo viên tại các cơ sở dạy nghề; đầu tư 2,5 tỷ đồng nâng cấp Trung tâm Dạy nghề huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Gia Lâm và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng. TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cũng dành hơn 361 tỷ đồng mở hơn 4.000 lớp dạy nghề cho gần 150.000 lao động nông thôn.

Ngoài ra, nhiều địa phương trợ giúp lao động sau học nghề có việc làm ổn định bằng cách đưa người lao động vào làm tại các doanh nghiệp; cho vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất, kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lâu dài… Nhìn chung, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được TP Hà Nội triển khai bài bản, đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực tế.

Đề cao chất lượng, hiệu quả

- Dạy nghề gắn liền với chất lượng đầu ra mang lại những kết quả gì, thưa bà?

- Từ năm 2012 đến nay, TP Hà Nội có hơn 135.000 lao động, bằng 89,5% lao động nông thôn qua đào tạo nghề tìm được việc làm hoặc tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cao hơn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Thông qua hoạt động dạy nghề, học nghề, một số mô hình điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hình thành và nhân rộng. Tiêu biểu là mô hình dạy nghề may công nghiệp tại huyện Ba Vì, Đan Phượng, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây bảo đảm cho gần 100% lao động sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định. Mô hình dạy nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Ba Vì, Đông Anh, Hoài Đức… giúp hàng trăm hộ gia đình tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi để nâng cao thu nhập. Nhờ học nghề chăn nuôi, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên... mạnh dạn đầu tư, mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Những kết quả trên phần nào cho thấy, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng chất lượng, hiệu quả vừa giúp nhiều lao động có việc làm, vừa góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

- Không thể phủ nhận kết quả đạt được, song công tác dạy nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội được xác định rõ là gắn công tác đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, quy hoạch phát triển sản xuất vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới… Trên thực tế, một số địa phương có nhiều lao động tham gia học nghề, nhưng có ít doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, khiến công tác phối hợp trong quá trình đào tạo gặp nhiều khó khăn. Lao động sau học nghề cũng khó tìm kiếm cơ hội việc làm tại doanh nghiệp. Một số địa phương chưa có liên kết vùng, chưa xây dựng hệ thống bao tiêu sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, dẫn đến tình trạng nhiều lao động chưa “mặn mà” học nghề.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân như cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn còn thiếu và yếu; chương trình đào tạo nghề chưa có sự thống nhất, gây khó cho người học và ảnh hưởng đến kết quả đầu ra. Đáng nói hơn, một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa quan tâm đúng mức công tác dạy nghề, học nghề; không ít người học theo phong trào, học kiểu “đánh trống ghi tên”. Một số ngành, nghề không phù hợp với hình thức đào tạo ngắn hạn, khó ứng dụng ở khu vực nông thôn, trong khi những nghề xã hội đang cần lại không có trong danh mục hỗ trợ đào tạo...

- Xin bà cho biết rõ hơn lý do khiến kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2017 chưa hoàn thành?

- Những năm trước, kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn thường hoàn thành vào quý III. Năm nay, theo Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 30-3-2017 của UBND TP Hà Nội, toàn thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 23.000 lao động, trong đó có hơn 13.000 người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp, gần 10.000 người được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp. Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập trong hoạt động dạy nghề, học nghề, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thống kê, rà soát lại xem ngành, nghề nào cần mở rộng, phát triển; ngành nghề nào nên tạm dừng đào tạo.

Căn cứ vào nhu cầu của người học và đòi hỏi của thị trường lao động, danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 và giai đoạn 2017-2020 được UBND TP Hà Nội phê duyệt gồm 33 nghề (17 nghề nông nghiệp, 16 nghề phi nông nghiệp), giảm bớt 16 nghề không còn phù hợp. Sau khi có danh mục đào tạo nghề, các cơ quan chức năng đã phối hợp biên soạn chương trình đào tạo thống nhất đối với từng loại nghề để áp dụng rộng rãi trên toàn thành phố; đồng thời, xây dựng định mức chi phí đào tạo nghề làm căn cứ cho các địa phương triển khai thực hiện.

Ngày 27-10-2017, định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 7499/QĐ-UBND. Như vậy, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017 chậm về thời gian là do TP Hà Nội chấn chỉnh hoạt động dạy nghề, học nghề theo hướng đề cao chất lượng, hiệu quả, không có chuyện “ách tắc” như một số ý kiến phản ánh.

Bảo đảm đầu ra

- Vậy, thời gian tới, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ được triển khai ra sao, thưa bà?

- Trước hết, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức dạy nghề cho hơn 23.000 lao động nông thôn theo kế hoạch năm 2017...

Các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đối với công tác dạy nghề, học nghề cho lao động nông thôn; nâng cao năng lực dạy nghề của các trung tâm, cơ sở đào tạo nghề. Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu và tổ chức dạy nghề đúng đối tượng. Mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững sẽ được nhân rộng, phát huy. Đặc biệt, TP Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập có được sau khi học nghề…

- Theo bà, chúng ta có thể tin tưởng rằng đa số lao động nông thôn tham gia học nghề sẽ tìm được việc làm ổn định, lâu dài?

- Tỷ lệ lao động nông thôn sau học nghề tìm được việc làm khá cao, nhưng tính ổn định của việc làm lại chưa cao. Để công tác dạy nghề đạt mục tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH mong muốn thành phố bổ sung chỉ tiêu, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và dạy nghề. Thành phố cũng nên quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với hiệu quả dạy nghề, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần thực hiện. Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và tuyển dụng lao động sau học nghề...

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tôi tin chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn sẽ từng bước được cải thiện. Đó cũng là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, giảm nghèo bền vững.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hà Hiền thực hiện