Cẩn thận "tiền mất tật mang"
Giáo dục - Ngày đăng : 06:45, 13/11/2017
Trong danh sách nói trên tại Hà Nội, Học viện Ngân hàng chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo với Trường Đại học Birmingham (Anh) về đào tạo thạc sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chấm dứt chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh liên kết với Trường Đại học Oklahoma City (Hoa Kỳ); Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo với Trường Đại học Hồ Nam (Trung Quốc) các chương trình đào tạo cử nhân các ngành Cơ khí, Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin... Tại TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chấm dứt liên kết với Trường Đại học Victoria (Australia) về đào tạo cử nhân kinh doanh và Trường Đại học Curtin (Áo) đào tạo thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế; Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo với Trường Đại học Nam Toulon Var (Pháp) đào tạo về thạc sĩ ngành Quản trị chất lượng...
Ngoài ra, còn 16 chương trình liên kết hết hạn tuyển sinh của các trường, như: Trường Cao đẳng Viễn Đông liên kết đào tạo với Trường Đại học Valdosta (Hoa Kỳ); Trường Đại học Bách khoa Hà Nội liên kết với Trường Đại học Troy (Hoa Kỳ); Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh liên kết với Trường Đại học Botlton…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, để tránh "tiền mất tật mang" khi chọn học các trường liên kết quốc tế, người học phải lên trang www.vied.vn (của Cục Hợp tác quốc tế) để xem chương trình có được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép hay không. Sau đó theo dõi về thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xem bằng của trường liên kết có được công nhận hay không, có thuộc các nước có nền giáo dục, kinh tế phát triển, các chính sách về học phí, hỗ trợ sinh viên, khả năng chuyển tiếp du học, cơ hội học tập lên bậc cao hơn...
Còn Tiến sĩ Hoàng Đức Bình, đại diện Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia) tại Việt Nam cho hay, để tìm được chương trình liên kết tốt người học cần quan tâm đến uy tín đào tạo của trường nước ngoài (uy tín đó có thể là có kiểm định quốc gia hoặc quốc tế, thế mạnh ngành nghề trong đào tạo của trường, xếp hạng của trường hoặc ngành đào tạo của trường...).
Ngoài ra, quốc gia mà trường đại học nước ngoài có trụ sở chính rất quan trọng, vì chính sách chung của quốc gia và năng lực của nền giáo dục sẽ ảnh hưởng đến khả năng, chất lượng liên kết quốc tế. Cần lưu ý rằng, trường đại học quy mô lớn không phải lúc nào cũng tốt, vì nhiều đơn vị quy mô nhỏ nhưng có thế mạnh đào tạo trong một số ngành nghề chuyên biệt. Các trường đại học có uy tín sẽ không thỏa hiệp về mặt chất lượng và thường chọn các đối tác có uy tín để liên kết với mục tiêu là để bảo đảm chất lượng chương trình được triển khai tốt tại Việt Nam.
Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), số lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng của nước ngoài tại Việt Nam đang tăng đột biến. Nếu năm 2008, cả nước chỉ có 88 hồ sơ thì đến năm 2016 con số này là 3.861 hồ sơ, tăng gần 44 lần. Số hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng chủ yếu là từ loại hình du học toàn phần (60%) và liên kết đào tạo (34%)... |