Cà phê đang... gặp khó!
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 13/11/2017
Theo Bộ NN&PTNT, 10 tháng qua, xuất khẩu cà phê đạt 1,17 triệu tấn, tương đương 2,69 tỷ USD. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) Nguyễn Nam Hải cho biết, mặc dù giá xuất khẩu tăng 28,5%, song do nguồn cung giảm nên kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 10 tháng qua giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do năng suất, chất lượng cà phê sụt giảm bởi hạn hán, mưa trái mùa trên diện rộng; xảy ra việc chặt phá cây cà phê để trồng loại cây khác ở một số tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, diện tích cà phê già cỗi ngày một tăng cũng là thực tế đáng lo ngại...
Ông Trần Văn Tuyển, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Sa cho rằng: Các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến cây cà phê, bởi Việt Nam hiện đạt giá trị thấp nhất trong nhóm 3 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Nếu không sớm đẩy mạnh tái canh cà phê thì sản lượng những niên vụ tiếp theo có thể sẽ tiếp tục giảm. Đặc biệt, với tình trạng phá bỏ cây cà phê tự phát như hiện nay sẽ tạo ra những hệ lụy đáng tiếc.
Trước tình trạng này, Bộ NN& PTNT cùng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đang tích cực đẩy mạnh tái canh cà phê. Theo kế hoạch, giai đoạn 2014-2020, cả nước sẽ tái canh khoảng 120.000ha cà phê. Trong đó, trồng (tái canh) 90.000ha, ghép cải tạo 30.000ha, tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn, thời điểm này, tuy chưa có thống kê đầy đủ diện tích cà phê tái canh, song qua đánh giá cơ bản, tiến độ ở một số địa phương còn chậm so với kế hoạch. Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương cùng với đẩy mạnh tái canh, sẽ chú trọng kiểm soát tình trạng chặt bỏ cây cà phê tự phát...
Ngoài những khó khăn trong sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cà phê tại Việt Nam. Theo thống kê của Vicofa, hiện trong nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê, trong đó có 13 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê An Bình Kiều Oanh cho biết, các doanh nghiệp đang dành nguồn vốn lớn đầu tư thiết bị máy móc, công nghệ để tăng sản phẩm cà phê chế biến nhằm giảm lượng xuất khẩu thô. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đề xuất đưa sản phẩm cà phê chế biến vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp. Trước đề xuất đó, các doanh nghiệp xuất khẩu và Vicofa đồng loạt kiến nghị Chính phủ xem xét lại quyết định này để tạo điều kiện cho ngành Cà phê chế biến của Việt Nam phát triển, giảm dần xuất khẩu thô.
Ngành Cà phê cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh với phương châm “Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”. Trong đó, tập trung xây dựng những mô hình sản xuất cà phê theo chuỗi khép kín, đồng thời, thực hiện tái canh luân phiên các vườn cà phê để bảo đảm sản lượng. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chế biến sâu cà phê (đạt tỷ trọng 30-40% sản lượng) với các thương hiệu mạnh; tổng giá trị sản lượng của ngành hàng cà phê đạt hơn 200% so với hiện nay; kim ngạch xuất khẩu đạt từ 5 đến 6 tỷ USD/năm... nhằm đưa ngành Cà phê xuất khẩu theo hướng tăng trưởng bền vững.