Công trình xây dựng cũ xuống cấp: Nhiều hiểm nguy rình rập

Bất động sản - Ngày đăng : 07:24, 13/11/2017

(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có nhiều công trình xây dựng cũ xuống cấp nghiêm trọng. Người dân sinh sống trong những tòa nhà này đang đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.

Dãy nhà cũ xuống cấp tại phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân). Ảnh: Thái Hiền


133 danh mục công trình trong tình trạng nguy hiểm

Mặc dù xảy ra đã hơn 2 năm, nhưng sự việc sập và gây thương vong tại biệt thự cổ số 107 phố Trần Hưng Đạo (tháng 9-2015) và trước đó là sự cố sập nhà ở số 49 phố Huỳnh Thúc Kháng (tháng 3-2011) vẫn khiến nhiều người nhắc đến khi đề cập đến vấn đề an toàn của các công trình xây dựng công cộng, chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Còn hiện tại, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống tại nhà A7, khu tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai) lại lo lắng vì sự xuống cấp nghiêm trọng của tòa nhà xây từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Anh Nguyễn Thái Trung, người dân ở khu tập thể Tân Mai cho biết, nhiều cơ quan chức năng đã đến khảo sát và đều đưa ra đánh giá tòa nhà thuộc cấp C, tức là khả năng chịu lực của bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Theo anh Trung, năm 2010, khu vực cầu thang bộ nối từ tầng 1 lên tầng 5 có dấu hiệu tách rời nhau, gây nguy hiểm và đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã cử lực lượng xuống lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời. Tương tự, tòa nhà khu tập thể A1 Giảng Võ (quận Ba Đình) đã xuống cấp, tường nhà bong tróc từng mảng, dầm bê tông đã lộ ra những đoạn sắt hoen gỉ.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, hiện trạng chất lượng của 603 danh mục công trình nhà ở cũ trên địa bàn Hà Nội thì có tới 133 danh mục công trình ở mức 3 (nằm trong tình trạng nguy hiểm, cần khoanh vùng chi tiết, chống đỡ, sơ tán người dân tạm thời nếu cần thiết, cần ưu tiên đánh giá khảo sát chi tiết).

Người dân đồng thuận là khâu quan trọng

Trước tình trạng trên, từ năm 2005, thành phố đã có nghị quyết về cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ trên địa bàn và đến năm 2013 tiếp tục ban hành nghị quyết về vấn đề này. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây mới và đưa vào sử dụng, chiếm 1% trong tổng số nhà cần cải tạo. Theo một số chủ đầu tư, một trong những lý do chậm tiến độ bắt nguồn từ chính người dân. Trong giai đoạn tiến hành các thủ tục về đất đai, một số hộ dân đã có những kiến nghị về diện tích nhà tái định cư, các khoản kinh phí hỗ trợ; hoặc cố tình không bàn giao mặt bằng, đưa ra những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật...

Ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, quá trình vận động người dân di dời ra khỏi chung cư G6A đơn nguyên 1 và 2, chung cư nguy hiểm cấp D (cấp độ nguy hiểm cao nhất cần di dời khẩn cấp) ban đầu gặp nhiều khó khăn. Với lý do nhà nghiêng hình chữ V, hai đơn nguyên tách ra ổn định từ nhiều năm, nên một số hộ dân không chấp nhận việc xếp tòa nhà vào nhóm D. Một vài người dân cố kéo dài thời gian để tiện cho việc kinh doanh, buôn bán... Do vậy, sự hợp tác, đồng thuận của người dân là khâu rất quan trọng trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ của thành phố.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tháng 4-2016, tại hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội, thành phố đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 28 khu chung cư cũ. Sau khi tổ chức lấy ý kiến của các sở, ngành, quận, huyện và thông qua điều tra xã hội học của các nhà đầu tư, thành phố thống nhất lựa chọn 9 khu chung cư cũ (mỗi quận chọn 1 khu, riêng Ba Đình chọn 3 khu, trong đó mỗi khu có một nhà nguy hiểm cấp độ D) và 3 nhà chung cư độc lập để đưa vào kế hoạch xây dựng lại giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Theo đó, khu tập thể Bộ Tư pháp, chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng và nhà I1 Thanh Xuân Bắc chuẩn bị đầu tư vào năm 2018; hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2020. Khu tập thể Nguyễn Trãi chuẩn bị đầu tư từ quý III-2018 và đến năm 2021 đưa vào khai thác sử dụng. Các khu tập thể: Giảng Võ, Hào Nam, Nghĩa Tân, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Khánh, Thành Công, Tân Mai, Thanh Xuân Bắc, chuẩn bị đầu tư trong các năm 2018-2019, đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Thành phố giao nhà đầu tư đủ điều kiện tự bỏ kinh phí thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể toàn khu theo hướng giảm tối đa mật độ xây dựng, tăng tối đa chiều cao để tăng tối đa diện tích, không gian sử dụng vào mục đích công cộng, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và gắn kết với khu vực. Đối với nhà nguy hiểm cấp độ D, Hà Nội ưu tiên cho phá dỡ và xây dựng lại trước, sau đó sẽ cập nhật quy hoạch vào toàn khu. Sau khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu chung cư cũ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đề xuất dự án của nhà đầu tư, thành phố xem xét điều chỉnh bổ sung kế hoạch khung cho phù hợp...

Với các công trình công cộng, nhà biệt thự cũ, xuống cấp, để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân đang sử dụng, Sở Xây dựng đề nghị các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý sử dụng công trình; các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu công trình, nhà ở thực hiện ngay các biện pháp an toàn như hạn chế sử dụng, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản nếu thấy cần thiết...

Trung Hiếu