“Lá chắn” phải an toàn, hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:00, 14/11/2017
Điều đó vô tình đã tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng, gây tổn hại an ninh quốc gia với hậu quả khó lường.
Cùng với thế giới, Việt Nam đang tăng tốc phát triển nền kinh tế số, khai thác các ưu thế và đặc thù của không gian mạng để phát triển. Internet đã trở thành một phần của cuộc sống và ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngày càng tăng và bảo mật an toàn hệ thống mạng là đòi hỏi tất yếu. Chỉ thông tin, trong 9 tháng năm 2017, cả nước đã ghi nhận gần 10.000 vụ tấn công mạng, đủ cho thấy sự ra đời của Luật An ninh mạng là vô cùng cần thiết!
Sau 14 lần chỉnh sửa, lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động, đến nay, dự thảo Luật An ninh mạng vẫn còn không ít ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn còn những điều, khoản chồng chéo, chưa tách bạch với Luật An toàn thông tin mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông… Hay việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet ở Việt Nam phải đặt máy chủ tại Việt Nam… Những nội dung này được cho là ít khả thi, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và chưa chắc đã hiệu quả trong công tác quản lý.
Như các nhà xây dựng luật nhận định, đây là dự luật có nhiều nội dung mới, phức tạp, liên quan nhiều luật khác nên cần rà soát kỹ, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất. Cũng chính vì những đặc thù của internet nên việc quản lý hoàn toàn không đơn giản và không thể là chuyện của một ngành, một cơ quan, cũng như không thể đi ngược thông lệ quốc tế, bởi internet không có khái niệm biên giới.
Hiện nay, công nghệ thông tin và viễn thông đã có bước phát triển mới, thúc đẩy thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 theo xu thế toàn cầu. Do đó, Luật An ninh mạng phải đặc biệt chú ý tới các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên như cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Theo đó, về nguyên tắc, Luật An ninh mạng không được trái các thỏa thuận đã ghi nhận trong hai văn bản nêu trên.
Để Luật An ninh mạng trở thành “lá chắn” vững chắc trước những cuộc tấn công mạng trong tương lai, nhưng đồng thời cũng là động lực và công cụ để khai thác tốt nhất sức mạnh của công nghệ cho phát triển đất nước, luật cần hoàn thiện và đồng nhất. Trong đó, cần bảo đảm yếu tố, dù các doanh nghiệp không hiện diện ở Việt Nam, nhưng khi nhà chức trách yêu cầu, buộc họ phải có sự hợp tác, cung cấp dữ liệu. Không nên áp đặt tính “địa phương hóa” với một lĩnh vực có tính toàn cầu như không gian mạng…
Trước nước ta, không ít quốc gia đã ban hành luật về an ninh mạng, do đó chúng ta có điều kiện học hỏi, rút kinh nghiệm, nhưng phải sáng tạo, ứng dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó cần tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia, đánh giá nhiều hơn nữa những tác động được và mất khi áp dụng các quy định như trong dự thảo hiện hữu. Làm sao để “lá chắn” này vừa bảo đảm an ninh mạng, vừa đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu như hiện nay và trong thời gian tới. Luật cần chặt chẽ, song nếu không có cách nhìn đa chiều, sẽ trở thành rào cản bó buộc sự phát triển của đất nước.
Trên hết, sự minh bạch, không chồng chéo, sẽ là cơ sở pháp lý để mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân tự xác định được phạm vi hoạt động của mình đúng ranh giới luật pháp cho phép. Đó cũng là cách để luật đi vào cuộc sống và có hiệu quả nhất.