Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn từ gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 15/11/2017

(HNM) - Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cũng là dịp hàng lậu được ráo riết vận chuyển về Hà Nội. Để ngăn chặn tình trạng này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chỉ thị, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, xây dựng kế hoạch phòng, chống buôn lậu; không để xảy ra

Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra thu giữ hàng nhập lậu tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Mạnh Hùng


Còn thói quen dùng hàng lậu

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại TP Hà Nội (BCĐ 389 Hà Nội) thông tin, trong tháng 10-2017, lực lượng chức năng của BCĐ 389 Hà Nội đã ra quân kiểm tra 3.214 trường hợp, xử lý 2.589 vụ, khởi tố hình sự 2 vụ, 4 đối tượng. Số tiền thu được hơn 510 tỷ đồng, gồm tiền phạt hành chính và giá trị hàng hóa tịch thu, cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, buôn lậu được tổ chức theo đường dây, ổ nhóm, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đầu nậu trên biên giới và trong nội địa. Riêng Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) trong tháng 10-2017 đã kiểm tra, bắt giữ hơn 40.000 sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc tại một kho hàng ở quận Hà Đông. Trong số này, nhiều mặt hàng đóng gói ở Việt Nam, nhưng có dấu hiệu làm giả, dán nhãn mác xuất xứ Hàn Quốc và New Zealand. Cũng trong tháng 10, Đội Quản lý thị trường số 11 thu giữ hơn 5.000 bao thuốc lá ngoại không rõ nguồn gốc đang chuẩn bị tuồn ra thị trường.

Càng về những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động mạnh. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thuốc lá, rượu, bia, hàng tiêu dùng… được đưa qua biên giới, vận chuyển, tập kết ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó được đưa vào thành phố theo nhiều cung đường, thời gian khác nhau. Ngoài nguồn hàng có xuất xứ Trung Quốc, các đối tượng đang chuyển sang mặt hàng có chất lượng cao hơn, xuất xứ Mỹ, Châu Âu, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

"Hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng, bày bán xen lẫn hàng thật, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong khi, nhận thức về pháp luật của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, mặc dù biết là hàng lậu, nhái nhãn mác nhưng do giá rẻ và thói quen "thích nhãn hiệu nổi tiếng" nên vẫn chấp nhận sử dụng. Từ đó tiếp tay cho buôn lậu, hàng giả có đất sống", ông Chu Xuân Kiên nói.

Tăng cường kiểm tra


Nâng cao ý thức người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng trong việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Linh Ngọc


Theo luật sư Nguyễn Thị Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội), do cơ chế chính sách, chế tài xử lý các đối tượng buôn lậu chưa đủ mạnh, nên có hiện tượng “nhờn luật”. Các đối tượng đã cấu kết vượt qua phạm vi địa lý một địa phương, buôn lậu với quy mô lớn và hoạt động ngày càng tinh vi.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu từ nay đến Tết Nguyên đán, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn, yêu cầu Sở Công Thương (Thường trực BCĐ 389 Hà Nội) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phòng, chống hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả; kiểm soát chặt chất lượng, giá cả hàng hóa, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp...; đồng thời, tham mưu cho BCĐ 389 Hà Nội triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt những tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, tập trung các mặt hàng thuốc lá, rượu, sữa, thuốc chữa bệnh, thực phẩm...

Cùng với đó, Công an thành phố xác định đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu, tổ chức điều tra, triệt phá, đưa ra truy tố, xét xử… Các sở, ngành, địa phương, tùy chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với từng lĩnh vực, từng tuyến, từng địa bàn cụ thể; không để xảy ra "điểm nóng" về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Ông Chu Xuân Kiên cho hay, sau khi có chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố, lực lượng chức năng đã lập kế hoạch tập trung kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường giao thông, ga tàu, bến xe và kho hàng có dấu hiệu vận chuyển, tập kết hàng lậu; kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, như tại các chợ: Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Hà Vĩ (huyện Thường Tín)… Đặc biệt, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, pháo nổ, đồ chơi trẻ em, hàng gia dụng…; kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, duy trì chấp hành quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh...

Làm tốt những nhiệm vụ, giải pháp trên, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ của người dân, hy vọng sẽ từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là vào những tháng cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Thanh Hiền