Đầu tư hạ tầng, bám sát địa bàn
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:22, 15/11/2017
Một điểm bán sim - thẻ tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Kỳ Long |
Theo ông Huỳnh Văn Nhiều, đại diện VNPT Cà Mau, đến nay VNPT đã triển khai mạng cáp quang rộng khắp toàn tỉnh, kết nối tất cả UBND các cấp, các sở, ngành qua mạng truyền số liệu chuyên dùng và internet. Hiện, mạng VinaPhone đã phủ sóng 3G, 4G và dịch vụ vệ tinh (VinaPhone-S) đến toàn bộ tỉnh Cà Mau phục vụ kết nối tốt hơn cho ngư dân khu vực biển đảo. Việc đầu tư hạ tầng rộng khắp đã góp phần không nhỏ để tỉnh Cà Mau triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực. Trong đó 100% cơ sở y tế triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (VNPT-HIS) đã được kết nối liên thông với Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng giám định bảo hiểm y tế quốc gia.
Đặc biệt, từ ngày 1-10, VNPT Cà Mau đã triển khai phân hệ quản lý y tế cơ sở (tích hợp trong VNPT-HIS), giúp Sở Y tế địa phương quản lý dữ liệu sức khỏe người dân đến từng hộ gia đình... Cà Mau cũng là địa phương mà Tập đoàn VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020 và ký thỏa thuận phối hợp xây dựng thành phố thông minh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lăm, Phó Giám đốc VNPT Bạc Liêu cho biết, VNPT đã, đang đẩy mạnh đầu tư nhiều hạng mục về hạ tầng mạng lưới trên địa bàn. Trong đó, riêng năm 2016 đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng để phát triển mạng di động trên đất liền và phủ sóng biển đảo, mạng băng rộng; năm 2017, VNPT đầu tư hơn 35 tỷ đồng để phát triển mạng 4G và mạng băng rộng tại địa phương này.
Công tác đầu tư về hạ tầng mạng lưới đã tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, VNPT Cà Mau đã cung cấp đáng kể các ứng dụng cho các sở, ngành trên địa bàn. Theo ông Huỳnh Văn Nhiều, ngoài "phủ sóng" ở lĩnh vực y tế, hiện đã có trên 50% trường học tại Cà Mau sử dụng phần mềm vnEdu và 63.521 hồ sơ học sinh được quản lý trên hệ thống, trong đó đã khai báo 41.986 sổ liên lạc điện tử cho học sinh bảo đảm kết nối thông tin giữa nhà trường và phụ huynh. Trung tâm Kinh doanh VNPT Cà Mau (VinaPhone Cà Mau) cũng là đơn vị dẫn đầu về thị phần di động trên địa bàn tỉnh, bỏ xa các nhà cung cấp dịch vụ di động khác với 62,53% thị phần thuê bao VinaPhone. Hiện nay, VinaPhone tại Cà Mau có 1,1 triệu thuê bao di động trên tổng số 1,2 triệu dân...
Còn tại VNPT Bạc Liêu, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm VNPT-HIS đã được ứng dụng tại 36 cơ sở y tế. Phần mềm vnEdu của VNPT cũng đã được triển khai tại 78/247 trường, số phụ huynh học sinh đăng ký sổ liên lạc điện tử trên 40.000 sổ. VNPT Bạc Liêu cũng đã triển khai ứng dụng kê khai bảo hiểm xã hội qua mạng đạt 560 cơ quan, đơn vị; triển khai dịch vụ khai báo thuế qua mạng cho 1.100 đơn vị. Sau VNPT Cà Mau, VNPT Bạc Liêu đứng thứ hai trong số các tỉnh, thành phố khác về nắm thị phần dịch vụ di động VinaPhone trên địa bàn với 58% và 49% thị phần dịch vụ băng rộng, bỏ xa các đối thủ kinh doanh khác.
Trong lĩnh vực viễn thông, chính sách phải luôn linh hoạt để có các gói cước, sản phẩm phù hợp với địa bàn đáp ứng đa dạng nhu cầu khách hàng, ví dụ VinaPhone Cà Mau có gói cước "Cua càng xanh" dành cho ngư dân; VinaPhone Bạc Liêu có sim "Hey" dành cho giới trẻ, sim "Giáo viên" dành cho giáo viên... Cùng với đó là chính sách phù hợp, linh hoạt với các đại lý, điểm bán để phát triển đội ngũ bán hàng. Đặc biệt, trong hoạt động chăm sóc khách hàng, cả hai đơn vị đã triển khai hàng loạt chương trình, hoạt động với các ưu đãi cho người dùng như tổ chức bán hàng lưu động tại từng khu vực nhằm phát triển thuê bao mới...