VAMC sẽ mua ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong hai tháng cuối năm
Tài chính - Ngày đăng : 09:27, 15/11/2017
Có thể nói, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thuận lợi hơn khi nhiều rào cản trong xử lý nợ xấu được dỡ bỏ.
Sau khi triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Theo ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc VAMC, từ tháng 8-2017 đến nay, sau khi triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, VAMC thu hồi được khoảng 5.000 tỷ đồng, đưa tổng số nợ thu hồi từ đầu năm đến nay khoảng 16.000 tỷ đồng. Tính từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, tổng số nợ xấu mà VAMC đã xử lý đạt 66.000 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ USD.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm ít nhất 2.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá thị trường.
Tổng Giám đốc VAMC cho biết, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, việc thu giữ tài sản của VAMC tốt hơn rất nhiều. Trước đây, TCTD cũng như VAMC thu giữ trên cơ sở Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, nhưng tốc độ xử lý vẫn còn chưa được như mong muốn do quyền của chủ nợ vẫn yếu thế. Còn Nghị quyết 42 đã bảo vệ chủ nợ tốt hơn và một lần nữa khẳng định quyền thu giữ tài sản đảm bảo.
Trước đó, ngày 21-6-2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 42. Cùng với đó, ngày 19-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (Đề án 1058).
Ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 06/CT-NHNN để triển khai thực hiện trong toàn ngành ngân hàng và có Quyết định 1533/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án 1058. NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 trong toàn ngành ngân hàng. Đồng thời, cơ quan quản lý này đã có các văn bản hướng dẫn các TCTD (theo từng nhóm, loại hình TCTD) xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.
NHNN cũng khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án và chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thuộc trách nhiệm của ngành Ngân hàng.