Giá trị danh hiệu - Yếu tố đặc biệt quan trọng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:52, 16/11/2017

(HNM) - Ngày 15-11, tại Hà Nội, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; thực trạng và giải pháp phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với xây dựng đạo đức, lối sống trong giai đoạn hiện nay”.


Cần cách làm mới


Sau 15 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được tiền đề quan trọng cho sự hình thành nếp sống văn hóa, nâng cao nhận thức xã hội về sự cần thiết gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống, tập tục tốt đẹp song hành với những giá trị, chuẩn mực mới. Tuy nhiên, phong trào cũng bộc lộ không ít hạn chế, bao gồm bất cập trong xét tặng các danh hiệu văn hóa.

Các hoạt động thiết thực, hiệu quả rõ nét là tiêu chí quan trọng cấu thành danh hiệu văn hóa.


Tại hội thảo, những bất cập trong xét tặng danh hiệu văn hóa được nêu khá chi tiết: Tiêu chí còn chung chung, chưa rõ ràng; quy trình bình xét còn chưa thống nhất do thiếu hướng dẫn chi tiết. Việc xét tặng danh hiệu chưa hiệu quả do tâm lý chạy theo thành tích, cả nể. Nhiều danh hiệu được xét tặng nhưng chưa có hình thức khen thưởng đi kèm, chủ yếu do kinh phí đầu tư cho hoạt động này ở nhiều địa phương còn hạn hẹp…

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Đâu nêu: Tiêu chí xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” còn chung chung nên khó đánh giá, khó thực hiện. Ngoài ra, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về danh hiệu “Hộ gia đình tiêu biểu xuất sắc”, “Thôn, tổ dân phố tiêu biểu xuất sắc” để tạo “chuẩn”. Nhiều ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã bình chọn theo cảm tính, không khách quan.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Phú Thọ Phạm Nga Việt đề cập việc có quá nhiều danh hiệu văn hóa mang tính chất tương tự do các bộ, ngành, địa phương triển khai. Ví dụ, ngoài danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”… trong khuôn khổ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ở nhiều nơi còn có danh hiệu “Hộ gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình cựu chiến binh văn hóa gương mẫu”, “Làng văn hóa - sức khỏe”... Sự chồng chéo về danh hiệu gây khó khăn cho cơ sở trong triển khai và đánh giá phong trào.

Nhiều đại biểu cũng thể hiện sự băn khoăn bởi hiện nay, tỷ lệ gia đình văn hóa rất cao - có nơi đạt 100% - dù tệ nạn xã hội, những hành vi phản cảm như nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi… vẫn dễ thấy. Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), chính việc được công nhận danh hiệu hay không cũng không ảnh hưởng tới các gia đình đã khiến danh hiệu văn hóa không có được “tính thiêng”. “Người dân ở nhiều nơi chưa thực sự mặn mà với danh hiệu. Bởi vậy, phải có cách làm mới, sâu sát, thiết thực hơn để danh hiệu thực sự đi vào đời sống xã hội cũng như phát huy được giá trị”, PGS. TS Bùi Xuân Đính nói.

Sự hưởng ứng của cộng đồng

Khẳng định thước đo chất lượng danh hiệu là sự hưởng ứng của cộng đồng, PGS.TS Bùi Xuân Đính đề xuất: Bộ VH-TT&DL cần sớm có sự điều chỉnh, bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản cũng như bổ sung những văn bản hướng dẫn cần thiết để các địa phương có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, chính các địa phương cũng cần chủ động huy động mọi nguồn lực để tổ chức phong trào, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng.

Cụ thể hơn, Thạc sĩ Nguyễn Thu Hà (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Hương ước, quy ước đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Việc phát huy giá trị tinh thần hương ước, quy ước trong xây dựng đạo đức, lối sống góp phần hỗ trợ tích cực cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung, xây dựng và bình xét các danh hiệu văn hóa nói riêng. Chính vì vậy, các địa phương cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng hương ước, quy ước làng, xã.

Để các danh hiệu văn hóa phát huy hiệu quả trong đời sống, điều quan trọng là các danh hiệu đó phải được cộng đồng tôn trọng, mong muốn đạt được. Do vậy, việc đầu tiên là phải tổ chức bình xét, trao danh hiệu cho đúng nơi xứng đáng, có hình thức khen thưởng thiết thực kèm theo. Cũng theo đó, các địa phương cần tổ chức tốt việc kiểm tra hoạt động xét tặng danh hiệu văn hóa nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Song song với đó, các địa phương cần gắn nội dung xây dựng các danh hiệu văn hóa với việc thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn. Muốn vậy, phải có cách để khắc phục bất cập, nâng cao chất lượng phần việc xây dựng hương ước, quy ước. Nói vậy là bởi, hiện nay, như ý kiến của Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Đâu, việc tổ chức xây dựng hương ước, quy ước thôn, làng ở nhiều nơi còn thiếu dân chủ; nội dung hương ước còn sơ sài, chưa sát với điều kiện và đặc điểm của địa phương, câu chữ còn nặng tính hô hào, khẩu hiệu... Có nơi xây dựng xong quy ước, hương ước nhưng không tuyên truyền, phổ biến tới người dân nên không phát huy được tác dụng.

Thanh Thủy