Thuế, nợ công, chuyển giá "nóng" phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

Chính trị - Ngày đăng : 07:53, 16/11/2017

(HNMO) - Hôm nay (16-11), kỳ họp thứ tư Quốc khóa hội khóa XIV bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là tư lệnh ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn.

15:15 16/11/2017

Cần các giải pháp tập trung, thiết thực để tạo chuyển biến trong thời gian tới

Khép lại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhóm vấn đề được chất vấn hôm nay không mới và đã được đề cập nhiều lần trong các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước nhưng đây vẫn là những nội dung liên quan đến hoạt động của nhiều bộ, ngành, địa phương và có tác động trực tiếp tới hiệu lực, hiệu quả của nền kinh tế, sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia, nên cần có các giải pháp tập trung, thiết thực để tạo chuyển biến trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt vấn đề thẳng thắn, cụ thể, có số liệu dẫn chứng. Các thành viên Chính phủ đã trả lời và làm rõ nhiều vấn đề được chất vấn cũng như đề ra hướng khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc trả lời một số nội dung chưa có giải pháp mới, mang tính đột phá, nhất là các vấn đề liên quan tới nợ công, quản lý thuế, quản lý hóa đơn mua bán hàng hóa..., nên nhiều đại biểu đã tranh luận lại.

Qua chất vấn cho thấy, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thuế, hải quan đã tạo thuận lợi cho người dân, công tác quản lý thuế hải quan, hoạt động chống thất thu thuế được đẩy mạnh, quản lý nợ công bước đầu đạt yêu cầu...Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế được các đại biểu đề cập trong phiên chất vấn, như quy mô thu ngân sách giảm, tình trạng quản lý nợ thuế, trốn thuế, gian lận thương mại, thất thu còn nghiêm trọng, còn để những sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực thuế, hải quan, việc phát hiện và xử lý tình trạng chuyển giá hiệu quả chưa cao, công tác quản lý nợ công còn nhiều phức tạp…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đã đề ra nhằm giải quyết những tồn đọng, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau: Tiếp tục cải cách mạnh thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa phương thức hoạt động trong lĩnh vực thuế, hải quan; cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; thực hiện nghiêm các quy định về việc sử dụng hóa đơn, triển khai hệ thống hải quan điện tử, kiểm định di động, tăng cường hậu kiểm; tiếp tục thực hiện thông suốt cơ chế “Một cửa quốc gia, một cửa ASEAN”; tăng cường xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; rà soát chống thất thu thuế đối với các hộ kinh doanh, xử lý hiệu quả tình trạng nợ đọng thuế; thực hiện hiêu quả các quy định của pháp luật về chống chuyển giá; bảo đảm đội ngũ công vụ của ngành thuế, hải quan trong sạch; thực hiện hiệu quả Luật quản lý nợ công đã được Quốc hội thông qua... Năm 2017, nếu kịp, các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành nghị định về hóa đơn điện tử, triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

15:06 16/11/2017

Thu nợ đọng thuế năm 2017 ước tăng cao hơn năm 2016

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về "lời hứa" trước Quốc hội của mình cách đây 2 năm về thu 34.000 tỷ đồng từ thuế nợ đọng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, năm 2015 con số thực tế thu là trên 37.000 tỷ đồng. Năm 2016, thu nợ đọng thuế đạt trên 42.000 tỷ đồng. Trong 10 tháng của năm 2017, con số này đạt trên 39.000 tỷ đồng và kết thúc năm nay có khả năng thu cao hơn năm 2016. 

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp cho đến năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang rà soát sửa đổi luật quản lý thuế; triển khai nghiên cứu chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản hóa để tới đây có nhiều ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp này. Ngoài ra, cũng xem xét đến các yếu tố về thủ tục hành chính, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. 

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về sự phát triển vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn, nhưng đóng thuế thấp và gây nhiều hệ luỵ trong nước của loại hình vận tải Uber, Grab

Cuối phiên chất vấn, nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Tài chính về sự phát triển vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn, nhưng đóng thuế thấp và gây nhiều hệ luỵ trong nước của loại hình vận tải Uber, Grab; thực trạng chuyển giá trong nước; việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến người nghèo; giải pháp để giám sát việc quản lý thu phí tại các công trình BOT giao thông... Do thời gian đã hết, Bộ trưởng Tài chính sẽ trả lời các đại biểu bằng văn bản.

14:55 16/11/2017

Tăng cường kiểm soát thu thuế trên mạng

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu câu hỏi: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp phát triển bán hàng qua mạng, hoạt động vận tải bằng Uber, Grab nở rộ, nên việc kiểm soát thuế mang tính chất truyền thống là không còn phù hợp, Bộ Tài Chính làm gì để thay đổi phương thức kiểm soát thuế trong tương lai?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật quản lý thuế đang được hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, kênh thương mại điện tử trên mạng intrenet đã được Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan của Bộ Thông tin Truyền thông tăng cường kiểm soát về thuế. 

14:32 16/11/2017

Sẽ hạn chế cho vay lại nguồn vốn vay thương mại

Liên quan đến việc cho vay lại và hiệu quả sử dụng vốn vay, Bộ trưởng Tài chính cho biết, Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chủ quản có liên quan trình Chính phủ về dự án đầu tư công và Luật Đầu tư công nhằm xác định rõ nguồn vốn vay nước ngoài cụ thể đối với từng dự án. Theo phân cấp, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì báo cáo Chính phủ về cơ chế cho chủ dự án vay lại là các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trong đó xác định rõ số tiền vay lại và điều kiện vay; cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm thẩm định khả năng hoàn vốn của các khoản vay; cơ quan chủ quản là các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm quản lý hiệu quả việc sử dụng khoản vay lại. Bộ Tài chính theo dõi và thu hồi số tiền vay lại và thu hồi trả nợ cho phía nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm, then chốt, có khả năng hoàn vốn, chỉ cho vay lại nguồn vốn ODA ưu đãi, không cho vay lại nguồn vốn vay thương mại, đồng thời tăng cường tính công khai minh bạch trong quản lý sử dụng nguồn vốn vay.

14:22 16/11/2017

Chuyển cơ quan công an hơn 3.200 trường hợp tin báo về tội phạm lĩnh vực thuế

Đầu giờ chiều nay, trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) về tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam so với các nước trên thế giới, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tỷ lệ bình quân của 7 nước ASEAN là 7,5%; các nước đang phát triển là 7-8%. Cách tính thuế của Việt Nam với các nước có thể có những phạm vi chưa đồng nhất nên Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn đầu giờ chiều nay.


Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) về cơ chế tài chính tự chủ của các trường đại học (ĐH), Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì trình Chính phủ Nghị định về cơ chế tự chủ với các trường, trong đó có nội dung tự chủ về tài chính. Hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo hoàn thiện Nghị định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, trình Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2017. Như vậy, từ năm 2018, cơ chế tự chủ của các trường ĐH sẽ thực hiện theo Nghị định này.

Thông tin tới đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông), Bộ trưởng Tài chính cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế và hải quan đã thực hiện quyết liệt, đúng pháp luật việc chuyển cơ quan điều tra tiến hành xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thuế. Năm 2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an 3.261 trường hợp tin báo về tội phạm. Cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, khởi tố 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế và chuyển lại cơ quan thuế xử lý hành chính 324 vụ. Theo đó, cơ quan thuế xử lý 229 vụ, còn 95 vụ không xử lý được do người nộp thuế bỏ khỏi nơi kinh doanh.

Trước câu hỏi của đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) về chống thất thu thuế ở mặt hàng ôtô, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, theo lộ trình, thuế nhập khẩu nhiều loại ôtô tới đây sẽ giảm về 0%. Tuy nhiên, đây không phải là thất thu mà là giảm thu trực tiếp từ ngân sách.

Năm 2017, tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam tăng, gây tác động tới công ăn việc làm. Bộ đã nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ giảm thuế xuất, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với toàn bộ linh kiện ôtô nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được xuống 0% trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2018-2022), có gắn với điều kiện sản lượng xe phải sản xuất, lắp ráp hằng năm. Mục tiêu của chính sách này là để kích thích sản xuất trong nước, hỗ trợ thị trường ôtô trong nước tăng trưởng, tăng thu thuế nội địa.

14:08 16/11/2017

Chất vấn nào đang chờ Bộ trưởng Bộ Tài chính trong chiều nay?

(HNMO) - Cuối phiên chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV sáng nay (16-11), còn khá nhiều đại biểu đăng ký đặt câu hỏi với vị trưởng ngành Tài chính. Thời gian để Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời trong buổi chiều là 50 phút.

12:00 16/11/2017

Tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam tương đương Lào, Campuchia

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu doanh nghiệp khai thác đá trắng đối diện nguy cơ phá sản khi Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định khung giá thuế tài nguyên, thuế các loại đá hoa trắng, đá trắng tăng đột biến khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, nhiều người mất việc làm. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo tinh thần chung là hạn chế xuất khẩu thô, khuyến khích xuất khẩu tinh nên Luật thuế Tài nguyên đang đi theo hướng đó. Về quy định thuế các mặt hàng đá trắng, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản về vấn đề này. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến và trả lời UBND tỉnh Nghệ An và đại biểu.

Trả lời câu hỏi của ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) về tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam nhìn chung là tương đương, như so với Lào, Campuchia; còn so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì tỷ lệ ở Việt Nam cao hơn.

Về giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lập ra để bán hóa đơn cho đơn vị khác gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước mà ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, hóa đơn điện tử là giải pháp đột phá để chống lại vấn đề này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ tiếp tục rà soát, cắt giảm 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 872 trong lĩnh vực tài chính. Hiện nay, trong các lĩnh vực, Bộ Tài chính còn 946 thủ tục hành chính.

Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp về hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý. Trong lĩnh vực thuế, đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam đã rút ngắn thời gian nộp thuế từ 537 giờ còn 117 giờ. Lĩnh vực hải quan, đưa vào vận hành hải quan điện tử cùng hải quan một cửa, giúp 99,9% số tờ khai hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, cao hơn mức đề ra 95%.

"Tóm lại, kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian qua có bước tiến bộ lớn, chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam năm nay tăng 81 bậc, xếp 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu sang năm đưa vào hóa đơn điện tử thì cải cách thuế còn tiến xa hơn nữa" - Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

11:22 16/11/2017

Giải ngân chậm tuyến Metro TP Hồ Chí Minh là do thiếu dự toán bố trí vốn nước ngoài


Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự án tuyến Metro tại TP Hồ Chí Minh giải ngân chậm là do thiếu dự toán bố trí vốn nước ngoài và hiện nay bố trí vốn là rất thấp. Bộ KH-ĐT đang rà soát để báo cáo Quốc hội xin điều chỉnh dự toán vốn nước ngoài cho TP Hồ Chí Minh để giải ngân cho dự án và triển khai theo cam kết về tiến độ.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tạm ứng 1.200 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành dự án. Khi Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán, Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để trả vốn đối ứng cho thành phố. 

11:05 16/11/2017

Chính phủ nói không với việc tăng trần nợ công

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải đáp thêm về nợ công tại phiên chất vấn.

Giải đáp thêm về vấn đề nợ công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến năm 2015, nợ công của nước ta tiến sát trần là 65%, nợ Chính phủ là hơn 55%, vượt trần cho phép, tỷ lệ chi trả nợ vay là 27,5%, cao hơn mức tiêu chuẩn quy định của quốc tế.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, Chính phủ nên nghiên cứu trình Quốc hội nới trần nợ công để có thêm vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, Chính phủ tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố, quan trọng là khả năng trả nợ. Tính đến cuối năm 2016 vừa qua, vay trả nợ nước ngoài của Việt Nam đã vượt quá giới hạn cho phép 25%, vì vậy Chính phủ sẽ nói không với việc tăng trần nợ công. 

10:49 16/11/2017

Quản lý hàng tạm nhập tái xuất phức tạp, dễ bị lợi dụng

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) hỏi: "Các mặt hàng tạm nhập tái xuất được cử tri đánh giá 'lợi ít hại nhiều', bị lợi dụng để buôn lậu như các mặt hàng đông lạnh, điện tử, rượu... Những mặt hàng này chỉ có hải quan độc quyền kiểm soát. Khi hàng thông quan qua biên giới kém chất lượng lại quay về tiêu thụ trong nước. Bộ trưởng cho biết, thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện, bắt giữ bao nhiêu vụ và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng trên?"


Đại biểu Nguyễn Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế).

Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận, việc quản lý hàng tạm nhập tái xuất rất phức tạp, dễ bị lợi dụng. Việt Nam chủ yếu là thực hiện tạm nhập tái xuất với nước láng giềng. 

Bộ Tài chính đã kiến nghị một số giải pháp như bổ sung quy định hướng dẫn bảo đảm thực hiện tạm nhập tái xuất theo đúng bản chất, đúng thông lệ quốc tế để hạn chế sơ hở; sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính, xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng đối với hành vi vi phạm về quản lý tạm nhập tái xuất như tự ý tiêu thụ nội địa hàng tạm nhập tái xuất hay tái xuất hàng hoá qua cửa khẩu không đúng quy định... Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng nắm bắt thông tin về thay đổi trong chính sách biên mậu của đối tác để đưa ra khuyến cáo cho doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh, tránh gây thiệt hại về kinh tế; UBND các tỉnh biên giới quản lý các đường mòn, lối mở và không để hàng hoá tạm nhập tái xuất vận chuyển sai luồng tuyến; Ban Chỉ đạo quốc gia 389 chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát chặt chẽ...

HNMO