Bước ngoặt lịch sử của EU

Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 17/11/2017

(HNM) - Sau một thời gian dài cân nhắc, cuối cùng Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận lịch sử Hợp tác cấu trúc thường trực quốc phòng (PESCO) về việc nhất thể hóa lực lượng quân đội các nước, nhằm tạo thành sức mạnh tập thể.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thuộc EU trong buổi lễ ký kết PESCO.


Là sáng kiến do Cao ủy phụ trách về An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini đề ra, PESCO được kỳ vọng sẽ tạo ra một EU “có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn” trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Việc Anh chuẩn bị tách khỏi khối cũng được xem là bước ngoặt quan trọng đối với PESCO do lâu nay London luôn tìm cách cản trở thỏa thuận này với lý do có phần trùng lặp với chức năng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà nhiều nước trong EU là thành viên.

Tuy nhiên, PESCO sẽ tạo ra những quy định pháp lý mang tính ràng buộc nhiều hơn so với NATO. Trong đó, nổi bật hơn cả là việc yêu cầu mỗi thành viên phải tăng chi tiêu quân sự ở một mức cụ thể, đồng thời dành 20% chi phí quốc phòng cho mua sắm khí tài và 2% cho nghiên cứu công nghệ. Các nước phải hợp tác với nhau để phát triển hoặc trang bị các thiết bị quân sự. EU sẽ có một khoản ngân sách phòng vệ chung khoảng 5 tỷ euro cho mua sắm vũ khí, kèm theo một quỹ khác dành cho các hoạt động quân sự và một khoản ngân sách riêng dành cho nghiên cứu. PESCO hướng tới việc xây dựng một trung tâm chỉ huy về quân y, mạng lưới các trạm vận tải, một trung tâm phản ứng trước các thảm họa và chương trình đào tạo sĩ quan quân đội chung. Các nước cũng có thể thành lập những nhóm nhỏ sẵn sàng triển khai binh sĩ tham gia chiến đấu hoặc can thiệp quân sự khi cần.

Nhìn chung, những vấn đề nêu ra trong PESCO đều cho thấy tính tự chủ cao, vốn rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ và NATO thường xuyên chỉ trích giới chức EU về việc luôn tìm cách dựa vào Washington trong việc bảo vệ an ninh nội khối và chỉ phát triển vũ khí quân sự nếu có được lợi ích chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, có nhiều yếu tố khiến Châu Âu nhận thấy cần phát huy sự tự chủ.

Giới chuyên môn cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất đối với EU khi nhất thể hóa quân đội là phải tăng tính hiệu quả trong khoản chi tiêu quốc phòng của từng thành viên, thông qua việc khuyến khích đầu tư xuyên quốc gia. Ngoài ra, các quốc gia chấp thuận PESCO cũng sẽ phải đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực chung của quân đội EU.

Hiện nay, nội bộ EU cũng có ý kiến khác nhau về PESCO. Nếu Pháp muốn thiết lập một khối dành riêng cho các quốc gia EU có khả năng đóng góp quân đội và trang thiết bị quân sự cho các chiến dịch bên ngoài lãnh thổ khối, thì Đức lại mong muốn một phương án chung về phòng vệ toàn liên minh. Tuy nhiên, tới nay, sự ủng hộ đa số vẫn đang dành cho Đức. Về phía Anh, sau khi quá trình Brexit hoàn tất, nước này vẫn có thể tham gia PESCO, nhưng phải tuân thủ những điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, nhiều người đã đặt câu hỏi về việc những nước là thành viên của cả NATO và PESCO sẽ phải làm thế nào trong trường hợp các mục tiêu của chúng đi ngược lại với nhau. Tuy vậy, tới nay các quan chức NATO vẫn tỏ ý công khai ủng hộ PESCO, tuyên bố sẽ hỗ trợ bất kỳ kế hoạch nào nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho EU.

Tất nhiên, sẽ còn mất nhiều thời gian mới có thể kiểm chứng hiệu quả của PESCO. Nhưng chắc chắn rằng, quá trình triển khai thỏa thuận này sẽ giúp EU có được lực lượng quân đội ở mỗi nước với sự đồng bộ hóa tốt hơn cho các mục tiêu chung, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương. Đến tháng 12 tới, tác động của PESCO lên mỗi quốc gia sẽ rõ ràng hơn khi các nhà lãnh đạo EU phải cùng ký một văn bản có tính ràng buộc đối với thỏa thuận này.

Hoàng Linh