“Nóng” chuyện quản lý nợ, chống thất thu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 17/11/2017
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Doãn Tấn |
“Nói không” với nâng trần nợ công
Một trong những vấn đề “nóng” nhất mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải đáp trong phiên chất vấn là con số hơn 3 triệu tỷ đồng nợ công tính đến cuối năm 2017. Trung bình mỗi người dân đang gánh 30 triệu đồng nợ công và dự báo đến năm 2020, con số này là 4,2 triệu tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) và đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi: Nợ công đã sát trần cho phép trong khi Chính phủ vẫn thực hiện đàm phán ký kết khoản vay mới, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý rủi ro?
Thừa nhận cần có lộ trình giảm bội chi, bảo đảm an toàn nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công và Nghị quyết về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020. Qua đó đã giới hạn chỉ tiêu an toàn nợ công với mức trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định rõ mức bội chi ngân sách và lộ trình cắt giảm bội chi ngân sách. Ngoài ra, vấn đề nợ công tăng nhanh là đúng, song các giải pháp kiểm soát nợ công thực hiện thời gian qua đã bước đầu có kết quả. Nếu như giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng 18%, năm 2016 tăng 15%, thì năm 2017 chỉ tăng 9%.
Tranh luận lại phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng nói nhiều về kiềm chế tăng nợ công, nhưng đây mới chỉ là phần “vỏ”, còn “linh hồn” của nó là vấn đề hiệu quả đầu tư công. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, điển hình như 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng. Chính những điều đó đã ảnh hưởng xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế.
Giải trình thêm vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây khi chưa có Luật Đầu tư công, việc quyết định các dự án còn dàn trải, vượt so với khả năng cân đối ngân sách. Trong giai đoạn 2016-2020 chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với trước và bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách.
Làm rõ thêm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn. Việc vừa phải bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, vừa giải quyết được những tồn tại nền kinh tế tích tụ nhiều năm là bài toán khó. Chính phủ cũng "nói không" với ý kiến đề nghị nâng trần nợ công. Hiện, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả...
Doanh nghiệp gặp khó, ngân sách thất thu
Trả lời chất vấn về vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang làm khó doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, các bộ, ngành đã sửa 66/87 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hóa. Báo cáo về thời gian thông quan cho thấy, 28% thời gian là do hải quan, 72% thời gian còn lại là thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan tới kiểm tra chuyên ngành. "Hiện các bộ, ngành vẫn chưa trao lại quyền kiểm tra chuyên ngành cho hải quan. Không tháo được nút thắt này thì rất ách tắc cho xuất nhập khẩu" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.
Giải quyết nhiều kiến nghị khó của cử tri Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ ba, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời (đạt 100%). Nhiều vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết nhưng Chính phủ đã nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ, đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Tuy nhiên, vẫn còn 570 kiến nghị chưa được giải quyết, trong đó, nhiều nhất thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế. Việc giải quyết kiến nghị cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh; xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến... |
Về tình trạng nợ đọng thuế tăng cao, đại biểu Trương Anh Tuấn (Đoàn Nam Định) đặt vấn đề: Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát nợ thuế, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, những năm qua, quản lý nợ thuế đạt kết quả tích cực, số thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, trong 73.900 tỷ đồng nợ thuế đến nay, có hơn 28.000 tỷ đồng của 713.383 đối tượng khó có khả năng thu hồi do mất tích, chết, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, phá sản, giải thể…
Bày tỏ sự lo ngại về tình trạng thất thu ngân sách, cán bộ thuế, hải quan nhũng nhiễu, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: “Buôn lậu vô cùng nhức nhối, ngân sách nhà nước đội nón ra đi, một phần chảy vào túi các cán bộ gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Vụ 213 container tại Cảng Cát Lái biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan hầu tòa… nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay đạo đức thoái hóa? “Quả đấm thép” nào sẽ được đưa ra giải quyết dứt điểm tình trạng trên và góp phần chống tham nhũng?”.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vụ 213 container biến mất ở Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) là do Tổng cục Hải quan phát hiện và đang phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an điều tra, xử lý. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan, ngoài đối tượng tham gia trực tiếp, những người còn lại đã bị kiểm điểm, xử lý hành chính, chuyển đổi vị trí công tác... Tinh thần của Bộ Tài chính là quyết tâm chống tiêu cực trong ngành và ngoài ngành.
Kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thủ tục thuế, hải quan, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết và sớm trình Chính phủ nghị định về hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2017.
Đã giải ngân 36.000 tỷ đồng gói cho vay nông nghiệp công nghệ cao Chiều 16-11, Quốc hội tiến hành chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng về điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Trả lời câu hỏi về những giải pháp để đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với bảo đảm chất lượng và hiệu quả tín dụng. Về cho vay nông nghiệp công nghệ cao, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chính sách này mới triển khai được 6 tháng nhưng dư nợ đạt 36.000 tỷ đồng trong gói 100.000 tỷ đồng, trong đó, kỳ hạn dài chiếm xấp xỉ 60%. Hiện đã có khoảng 6.000 khách hàng cá nhân và 400 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này. Trả lời câu hỏi về giải pháp huy động vốn trong dân, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, trên thực tế đã chuyển hóa được không ít vàng vào nền kinh tế. Với ngoại tệ, việc áp lãi suất gửi ở mức 0% không có nghĩa chưa chuyển hóa được nguồn lực này, mà thực tế được chuyển sang tiền đồng Việt Nam. Thời gian qua, khi chính sách ổn định, thị trường ổn định, chúng ta đã mua được một lượng rất lớn ngoại tệ từ người dân và tổ chức tín dụng bán cho Ngân hàng Nhà nước. Nếu Chính phủ tiếp tục kiên định theo con đường này sẽ chuyển hóa được một lượng lớn vàng, ngoại tệ vào sản xuất, kinh doanh... Theo chương trình, sáng 17-11, Thống đốc Lê Minh Hưng và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn. Thanh Hiền |