Kiểm tra nông thôn mới và thăm mô hình sản xuất nông nghiệp CNC tại huyện Thạch Thất

Kinh tế - Ngày đăng : 17:39, 17/11/2017

(HNMO) - Chiều 17-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020” đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 và thăm mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thạch Thất.

Chiều 17-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016-2020” đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 và thăm mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) tại huyện Thạch Thất.  

Mô hình trồng rau thủy canh của trang trại Ngọc Linh.


Tham gia đoàn kiểm tra còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và huyện Thạch Thất.


Đầu buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và các đồng chí trong đoàn đã thăm mô hình sản xuất giun quế, lợn rừng, rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình). Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt với diện tích 60ha. Hiện nay, trang trại đang nuôi hơn 1.000 con lợn rừng sinh sản và 12ha đất trồng rau hữu cơ, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1 con vạn lợn giống và hàng nghìn tấn lợn thương phẩm chất lượng cao và hơn 300 tấn rau hữu cơ, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Đoàn cũng tới thăm khu sản xuất nông nghiệp CNC kết hợp du lịch sinh thái Ngọc Linh tại xã Tiến Xuân. Khu sinh thái nông nghiệp CNC Ngọc Linh có quy mô 5ha do Công ty TNHH Lạc Hòa đầu tư xây dựng. Hiện nay, Công ty đang áp dụng công nghệ phá vỡ màng tế bào không sinh nhiệt, công nghệ nano ứng dụng vào nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Qua đó, tạo ra thực phẩm đạt chất lượng cao như: Rau hữu cơ công nghệ Nhật Bản, sản phẩm trứng gà Codycep AM+ được xuất bán sang thị trường Nhật Bản, các sản phẩm gia cầm sạch...

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo huyện Thạch Thất cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) với tỉ lệ 68,2% gồm các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Dị Nậu, Phùng Xá, Bình Yên, Hạ Bằng, Đồng Trúc, Tân Xã, Thạch Xá, Cần Kiệm, Tiến Xuân, Yên Bình, Canh Nậu. Năm 2017, huyện tập trung nguồn lực xây dựng 6 xã đạt chuẩn NTM là: Lại Thượng, Kim Quan, Phú Kim, Chàng Sơn, Bình Phú, Hữu Bằng. Riêng xã Thạch Hòa xây dựng NTM theo hướng quy hoạch đô thị Hòa Lạc.

Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Huyện ủy Thạch Thất đã có Nghị quyết, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, tổ chức nhiều buổi giao ban, kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Huyện đã tập trung rà soát, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho 6 xã đăng ký về đích NTM trong năm nay, với 42 dự án có tổng mức đầu tư là 186.272 triệu đồng. Kết quả đến tháng 11-2017, qua thẩm tra, đánh giá, cả 6 xã đều đạt từ 98,2- 98,57 điểm - đủ điều kiện để báo cáo thành phố về kiểm tra công nhận đạt chuẩn NTM.

Nhân dịp này, huyện Thạch Thất đề nghị thành phố có kiến nghị với trung ương sớm thực hiện các dự án trên địa bàn huyện như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Đại học Quốc gia, Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc; Dự án TB09 của Bộ Công an... Trong đó kiến nghị khi Nhà nước triển khai các án này cần quan tâm đến chế độ chính sách của người dân đang sinh sống, sản xuất trong vùng quy hoạch. Đồng thời, đề nghị thành phố tạo điều kiện để huyện Thạch Thất được hưởng chính sách ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo tinh thần Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND thành phố Hà Nội, bao gồm: Vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, vùng sản xuất hoa...

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, những kiến nghị của huyện Thạch Thất và các doanh nghiệp, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về nguồn điện, ứng dụng khoa học công nghệ, vốn, chính sách...

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương kết quả đạt được của các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn huyện Thạch Thất. Phó Bí thư Thường trực cho rằng, đây cũng là mô hình nông nghiệp đang được thành phố tập trung đầu tư phát triển.

Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả đạt được của huyện Thạch Thất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi được 350ha từ diện tích sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; đồng thời áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả. 


Trong xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo quyết liệt theo 5 nhóm, 19 tiêu chí xây dựng NTM. Cùng với nâng cao đời sống nhân dân, huyện đã tạo diện mạo mới cho nông thôn khang trang, sạch đẹp, đặc biệt là các xã thuộc tỉnh Hòa Bình trước kia. Với thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, Thạch Thất được đánh giá là huyện thuộc nhóm địa phương có thu nhập cao của thành phố. 

Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Thạch Thất cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết đề án xây dựng nông thôn mới của các xã; đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác ở nông thôn; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở (thôn, làng, cụm dân cư...). Huyện Thạch Thất cũng cần tích cực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh trên địa bàn; phát huy và duy trì bền vững các mô hình nông nghiệp CNC, giúp đỡ nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp nhân rộng các mô hình nông nghiệp CNC...

Đỗ Minh - Ảnh: Bá Hoạt