Khẩn cấp ứng phó bão số 14, giật cấp 12
Đời sống - Ngày đăng : 10:56, 18/11/2017
Đến 7h sáng nay (18-11), tâm bão nằm ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 620km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7h ngày 19-11, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao từ 5-6m. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền, từ sáng sớm mai (19-11), các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa diện rộng, trời chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất 14-17 độ C, vùng núi 11-14 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C.
Ứng phó với bão số 14, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 54.604 tàu, với 251.796 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh... đã lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi; đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện mở cửa xả để tạo thêm dung tích đón lũ, cắt lũ... Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay, trên vùng biển Cà Mau vẫn còn 698 tàu, với 4.541 lao động chưa liên lạc được. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn 438.553ha lúa chưa thu hoạch....
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang tiếp tục kiểm đếm, theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó; kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch bảo đảm an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng; triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó nhất là việc huy động lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm để sẵn sàng triển khai theo phương châm “4 tại chỗ”...