Những mũi tên đúng
Nông nghiệp - Ngày đăng : 08:00, 18/11/2017
Chính sách kinh tế Abenomics đã giúp cải thiện thị trường việc làm tại Nhật Bản. |
Theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản vừa công bố, quý III vừa qua, dù tiêu dùng tư nhân giảm 0,5% so với quý II, song GDP của Nhật Bản đã tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 1,3% được giới phân tích đưa ra trước đó. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu và sản xuất là 2 yếu tố chính giúp cho kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua tăng 0,4% lên 102,5 điểm - mức cao chưa từng thấy tính từ quý II năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu bùng phát. Nhu cầu của thế giới với hàng Nhật Bản tăng cũng giúp bù đắp sụt giảm chi tiêu trong nước. Nói cách khác, những lo ngại về chỉ số tiêu dùng nội địa kém chỉ còn là vấn đề tạm thời, bởi nước này đang tiến gần đến mốc "tỷ lệ thất nghiệp 0%". Một khi người lao động nào cũng có công ăn việc làm, lượng tiêu dùng trong nước sẽ nhanh chóng gia tăng.
Như vậy, đến thời điểm này, những nỗ lực cải tổ toàn diện của Thủ tướng Shinzo Abe từ năm 2012 là hướng đi đúng đắn cho nền kinh tế Nhật Bản. Abenomics đã thực sự vực dậy quê hương của các võ sĩ đạo. Nếu 3 mũi tên của chính sách kinh tế tài chính được đưa ra đầu tiên (gồm thúc đẩy gói kích thích tài chính quy mô lớn, tăng chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu) giúp Nhật Bản vượt qua cú sốc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thì 3 mũi tên tiếp theo của Abenomics phiên bản 2.0 được đưa ra tháng 9-2015 (xây dựng nền kinh tế mạnh để tạo dựng niềm hy vọng, hỗ trợ tăng tỷ lệ sinh để nuôi dưỡng ước mơ và bảo đảm một xã hội bình yên) đã và đang mang đến cho đất nước này những bước tiến bền vững.
Cùng với Abenomics 2.0, những năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản ráo riết đưa ra nhiều biện pháp giúp cải cách thị trường lao động, cải thiện chế độ đãi ngộ dành cho nữ giới để tăng tỷ lệ phụ nữ đi làm, siết chặt các quy định buộc các công ty phải có trách nhiệm hơn với cổ đông…
Bên cạnh đó, để tránh cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học, số lượng lao động thấp, Thủ tướng S.Abe đã triển khai “cuộc cách mạng robot”. Đây là hy vọng lớn có thể giúp Nhật Bản bù đắp nguồn lao động thiếu hụt và có thể thay thế khoảng 5,7 triệu việc làm trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2031. Vì thế, mục tiêu của Tokyo nhằm đưa GDP lên 5.200 tỷ USD vào năm 2020 được nhiều nhà quan sát nhận xét là “không hề viển vông”.
Theo khảo sát của Hãng tin Kyodo, khoảng 65% người dân Nhật cho rằng chính sách Abenomics đã và đang mang lại hiệu quả nhất định và tin tưởng vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế. Chính nhờ những nỗ lực này, ông S.Abe đã tái đắc cử Thủ tướng vào cuối tháng 10 vừa qua. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, Chính phủ nước này sẽ công bố tiếp một gói kích thích tăng trưởng mới, trong đó tăng tập trung vào các dự án đào tạo kỹ năng cho người lao động và tăng năng suất.
Từ thành công về kinh tế, Thủ tướng S.Abe sẽ có thêm động lực thực hiện nhiều chính sách cải cách khác, trong đó có việc sửa đổi Hiến pháp năm 1947, đồng thời nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh khu vực và toàn cầu.