Truyền thông, nâng kiến thức về nước sạch

Xã hội - Ngày đăng : 07:50, 19/11/2017

(HNM) - Trong những năm qua, để nâng cao nhận thức về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội đã duy trì các hoạt động thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng.


Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), thời gian qua, việc đầu tư các công trình nước sạch nông thôn còn gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư bởi ngân sách thành phố dành cho đầu tư nước sạch còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, khu vực nông thôn thu nhập thấp hơn khu vực thành thị; ý thức về sử dụng nước sạch của người dân ở một số vùng chưa cao. Bởi vậy, việc thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho chương trình nước sạch vùng nông thôn hiện còn khó khăn. Đến nay, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung còn thấp (khoảng 40%). Bên cạnh đó, việc truyền thông thúc đẩy nhu cầu sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn kết quả chưa tốt. Tại một số vùng, người dân vẫn chưa có ý thức trong sử dụng nước sạch, cũng như sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và giữ gìn vệ sinh môi trường công cộng…

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, hiện tại, kinh phí dành cho hoạt động truyền thông còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong thực hiện các hoạt động chưa chặt chẽ; nhiều nơi nông dân đã được cấp nước sạch, nhưng do cuộc sống còn khó khăn, nên chỉ sử dụng nước sạch cho nấu ăn, còn các hoạt động khác vẫn dùng nước giếng khoan (dù biết không bảo đảm chất lượng).

Chị Trần Thị Minh ở xã Phong Vân (huyện Ba Vì) cho biết: “Từ khi có nước sạch, nhân dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, mỗi tháng chi 200-300 nghìn đồng cho sử dụng nước sạch thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu vốn hạn hẹp. Vì vậy, gia đình chỉ dùng nước sạch cho ăn uống, mọi sinh hoạt khác phải dùng nước giếng khoan để giảm chi phí”.

Trước tình trạng đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã và đang đẩy mạnh việc mở các lớp truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường ở các huyện, thị xã nhằm cung cấp những nội dung cơ bản liên quan đến việc khai thác sản xuất, sử dụng nước sinh hoạt; môi trường và mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lý Thanh Sơn cho biết, thông qua các lớp truyền thông, sẽ khiến người dân thay đổi nhận thức về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường. Cũng qua đó, cơ quan quản lý hiểu được nhu cầu của người dân về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Từ đó, tư vấn, khuyến cáo người dân về nước sạch, vệ sinh môi trường, cách nhận biết nước sạch nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông thôn…

Đánh giá hiệu quả công tác truyền thông, tập huấn về nước sạch nông thôn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi nhận định: Thời gian qua, các đơn vị của thành phố phối hợp với các huyện, thị xã mở nhiều lớp truyền thông về nước sạch cho người dân trên địa bàn với nội dung thiết thực, như: Tầm quan trọng của nước đối với sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe con người; hiện trạng tài nguyên nước; các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của các tạp chất trong nước đối với chất lượng nước, sức khỏe con người; các bệnh liên quan đến việc sử dụng nước không hợp vệ sinh… Bên cạnh đó, cán bộ của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn còn hướng dẫn người dân biện pháp xử lý, trữ nước và cách sử dụng nước an toàn cho gia đình.

Tất cả những việc làm này sẽ từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, nguồn nước; bảo vệ công trình cấp nước và quản lý sử dụng công trình nước tập trung có hiệu quả, bền vững, góp phần cùng địa phương đạt tiêu chí về nước sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Quỳnh