Bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 19/11/2017

(HNMO) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sau khi đi vào gần bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Hôm nay (19-11), ATNĐ đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 19h ngày 19-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên đất liền các tỉnh Nam Bộ; sức gió ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7-8. Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Từ ngày 19 đến 24-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ, với mức động II, báo động III...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đã sơ tán 9.159 hộ, với 34.693 người sinh sống ở vùng trũng thấp, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, thủy lợi hạ thấp mực nước để tạo thêm dung tích đón đợt lũ mới; sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ chứa xung yếu, vùng hạ du…

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các tỉnh, thành phố ven biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.512 tàu, với 307.064 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão, ATNĐ để chủ động di chuyển và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Ngãi, Cà Mau vẫn còn 15 tàu, với 108 lao động chưa liên lạc được…

Trước diễn biến trên, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương và bộ, ngành liên quan tuyệt đối không được chủ quan tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; sơ tán người dân trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản lên bờ; tăng cường lực lượng theo dõi, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn công trình và hạ du, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu và tình huống xả lũ khẩn cấp…

Kim Nhuệ