Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 19/11/2017
Tham nhũng vặt làm khó người dân
Sau 2,5 ngày chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã sôi động ngay từ những phút đầu tiên với phần mở màn của đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), nêu thực tế về sự chênh lệch giàu-nghèo, phân hóa xã hội diễn ra ngày càng rõ nét. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm, giải pháp giải quyết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng cho rằng, mục đích cuộc cách mạng của chúng ta là giải phóng dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng". Vì vậy, cả hệ thống chính trị đã phấn đấu cho mục tiêu công bằng, dân chủ, văn minh và đạt được những kết quả quan trọng. Cái đói, cái thiếu giảm đi rất nhiều. Nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, tỷ lệ người nghèo, nhất là ở vùng xa xôi còn nhiều. Thu nhập của người dân nông thôn chưa bằng một nửa thành thị, ở vùng núi chỉ bằng 44% so với mặt bằng chung.
"Muốn giải quyết thì phải tiến hành nhiều việc, về kinh tế phải đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đào tạo việc làm cho người ở nông thôn, miền núi, điều tiết thu nhập qua thuế, thực hiện an sinh xã hội tốt hơn... Về mặt chính trị, phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, dân chủ, công khai. Có nhận thức, hành động kinh tế, chính trị tốt thì mới giải quyết được vấn đề này", Thủ tướng phân tích.
Phiên chất vấn cũng ghi nhận nhiều ý kiến về nạn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, làm khó người dân. Phản ánh tệ tham nhũng, sách nhiễu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu: "Nhiều cử tri nói, đường rộng cũng "ăn", đường hẹp cũng "ăn", cho làm cũng "ăn", không cho làm cũng "ăn". Nhà cao cũng "ăn", cắt ngọn cũng "ăn"... Họ vận dụng luật một cách mềm dẻo và hợp lý để tham nhũng. Đường lối của Quốc hội là đúng lắm. Thủ tướng thì quyết liệt, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn rất rõ, rất phổ biến ở một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng đã cam kết".
Trả lời các đại biểu, Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta xử lý nghiêm một số vụ án và sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ điện tử để ngăn chặn tham nhũng. “Ứng dụng hóa đơn điện tử thì làm sao người nộp thuế và cán bộ thuế gặp nhau để có chuyện chung chi phần trăm được?”, Thủ tướng dẫn chứng.
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) về xử lý các vụ án tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng, tiêu cực... Thủ tướng khẳng định, không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp với tư pháp cùng các cấp, ngành phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai trước nhân dân.
Chú trọng chất lượng tăng trưởng
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Hiển (Đoàn Lâm Đồng) đề cập đến giải pháp tuyển người thực tài đúng vị trí công việc và đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) hỏi việc xây dựng Chính phủ kiến tạo khác gì với Chính phủ thực hiện trước đây và mang lại lợi ích gì cho nhân dân? Thủ tướng cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển, Nhà nước không làm thay thị trường. Kiến tạo cũng có nghĩa là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Cuối cùng là phúc lợi xã hội phải tốt và quan trọng hơn cả, Chính phủ kiến tạo là nói phải đi đôi với làm. Thay ngay những cán bộ "giao mãi không chịu làm". "Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì?", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về việc Thủ tướng có hài lòng về chất lượng tăng trưởng năm 2017 khi đất nước vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dù năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm, 13/13 mục tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt kế hoạch Quốc hội giao, cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, nợ công được khống chế và có xu hướng giảm, chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, công tác văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh tiếp tục đạt thành tựu quan trọng… Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định còn nhiều bất cập tồn tại. Đó là tình trạng tụt hậu, đặc biệt tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”, cán bộ chưa sát dân, xa dân, quan liêu, rất đáng báo động và lo lắng. Theo Thủ tướng, phải tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) về giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng cho biết: Chất lượng tăng trưởng đã khá lên theo cơ cấu tích cực, giảm nông nghiệp, tăng công nghiệp dịch vụ, quan trọng nhất là năng suất lao động có tăng. Về giải pháp, Chính phủ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, hướng tới bình đẳng, ít chi phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. "Đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng chứ không chỉ số lượng, mặc dù số lượng cũng rất quan trọng", Thủ tướng nói, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ, đút lót các cấp chính quyền. Cùng với đó, cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, văn hóa thương trường. Xây dựng ý chí doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tự tin, vươn lên, dám nghĩ, dám làm, được chính quyền và nhân dân động viên, ủng hộ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Đoàn Ninh Thuận) về việc Chính phủ sẽ hỗ trợ gì cho các địa phương để thực hiện đô thị thông minh? Thủ tướng đề nghị các địa phương bình tĩnh, thận trọng trong việc lựa chọn mô hình này. Chính phủ sẽ hỗ trợ cao nhất cho các địa phương để thực hiện vì đây là xu hướng cần thiết.
Mặc dù phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp kéo dài nửa ngày, tăng thời lượng so với nhiều kỳ họp gần đây, song mới chỉ có 23 chất vấn, 4 tranh luận được nêu trực tiếp tại hội trường. Vẫn còn 25 đại biểu chưa kịp nêu câu hỏi. Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, phiên chất vấn diễn ra dân chủ, sôi nổi và có chất lượng cao. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, đặt nhiều câu hỏi bám sát các nhóm vấn đề chất vấn. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Thủ tướng, các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời các đại biểu bằng văn bản những chất vấn chưa kịp nêu tại hội trường.