Khai mạc không gian nghệ thuật của NSND Vương Duy Biên

Văn hóa - Ngày đăng : 12:29, 20/11/2017

(HNMO) - Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc, họa sỹ, NSND Vương Duy Biên vừa diễn ra trong 3 ngày 17, 18 và 19-11 tại khu nhà vườn thuộc thôn Bốt Tép, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Tác phẩm điêu khắc của NSND Vương Duy Biên.


Trong không gian rộng hơn 1000m2, quan khách và công chúng yêu nghệ thuật đã được chiêm ngưỡng hơn 80 tác phẩm nghệ thuật thuộc lĩnh vực điêu khắc, tranh lụa, tranh sơn mài, nghệ thuật sắp đặt… Đây là những tác phẩm mà NSND Vương Duy đã dày công sáng tạo trong nhiều năm qua.

Nhiều tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn sáng tạo của NSND Vương Duy Biên trong triển lãm như: Bình yên, Chiếc ghế đang chìm, Dễ hơn cưa bom, Ở đây cũng có dầu, Cầu nguyện, Chum kinh nghiệm, Ai bảo tôi không làm được… được đánh giá cao vì truyền tải những thông điệp ý nghĩa, đồng thời thể hiện bàn tay tài năng của tác giả.

Một tiết mục trình diễn múa đương đại.


Tại khu vực biểu diễn, NSND Vương Duy Biên đã ra mắt một số tiết mục trình diễn nghệ thuật múa tương tác - sắp đặt và giới thiệu về quá trình lao động nghệ thuật của mình. NSND Vương Duy Biên chia sẻ, ông thường hình thành ý tưởng trong quá trình đi công tác, bắt gặp những nét đẹp - xấu của cuộc sống, ông lưu lại và hễ có chút thời gian rảnh là ông lại về khu nhà vườn ở Sóc Sơn để thể hiện ý tưởng đó ra bằng các tác phẩm nghệ thuật khác nhau.

Sân khấu nhỏ trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật văn hoá của Việt Nam.


“Chất nghệ” của NSND Vương Duy Biên tương đối giản dị, dễ gần, dễ chia sẻ, không cầu kỳ về mặt ngôn ngữ thể hiện hình khối, màu sắc, chất liệu. Nội dung tác phẩm thể hiện nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc, thường được ẩn dưới các hình thức dí dỏm, hóm hỉnh, nhẹ nhàng.

Trong mảng điêu khắc, tác giả thể hiện nhiều hình tượng trẻ em; một số tác phẩm điêu khắc ngoài trời gắn trực tiếp với bối cảnh kiến trúc sẵn có thể hiện khả năng quan sát bao quát, tính sáng tạo của một nghệ sĩ tạo hình, một đạo diễn sân khấu, một điêu khắc gia.

Ở mảng hội họa, ông có xu hướng giản lược, quy về các dạng hình học cơ bản (thể hiện rõ gốc đào tạo là điêu khắc gia), phong cách khá gần với phong cách dân gian, tập trung ngôn ngữ hình mảng, nét và màu vào các biến tấu bố cục khác nhau, không có tham vọng đưa vào tranh nội dung của hình ảnh.

Toàn bộ phần hội họa (trưng bày tại Sóc Sơn) đều là đề tài phụ nữ đang làm việc trên đồng ruộng với các biến tấu của các chủ đề nón đội đầu, xà cạp, dáng cúi, dáng ngồi, dáng đứng... Phần hội họa càng chứng tỏ chất nghệ sĩ giản dị, yêu thích sự bình tâm, thanh thản.

Tuyết Minh