Cần sửa đổi Luật Tiếp công dân trong tình hình mới
Chính trị - Ngày đăng : 05:57, 20/11/2017
Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân TP Hồ Chí Minh, qua 3 năm, toàn thành phố đã tổ chức 135.240 lượt tiếp công dân; tiếp nhận hơn 100.000 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đó là chưa kể con số ở Thanh tra TP Hồ Chí Minh là 3.465 lượt tiếp công dân, 98 đoàn với 1.371 lượt người khiếu nại tố cáo... Nhiều cuộc tiếp xúc đã giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhận được sự đồng thuận của người dân.
Đơn cử, ngày 11-8-2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc giải quyết khiếu nại kéo dài gần 20 năm của ông Nguyễn Thanh Giảng (ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Ông Nguyễn Thành Phong nhận định, việc chậm giải quyết vụ việc theo bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh có một phần trách nhiệm của các cơ quan hữu quan. Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, đồng thời xem xét cấp giấy chứng nhận nhà, đất theo quy định cho gia đình ông Nguyễn Thanh Giảng.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố đang từng bước hoàn thành dự án xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ khiếu nại, tố cáo thuộc 5 cơ quan, gồm: Văn phòng UBND thành phố, Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Ban Tiếp công dân thành phố. Khi phần mềm hoàn thiện sẽ liên thông tất cả các sở ngành, quận huyện để giải quyết đơn thư khiếu nại. |
Tiếp công dân là điểm khởi đầu và là một trong những khâu then chốt, góp phần giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, nhiều chuyên gia cho rằng, luật cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng ban Tiếp công dân TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc phối hợp giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên với Ban Tiếp công dân các cấp chưa được thống nhất và đồng bộ. Vì vậy, cần kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế về phối hợp giữa Ban Tiếp công dân với cơ quan liên quan, trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bên tiếp nhận, xử lý đơn, cơ chế phối hợp, hướng dẫn mẫu sổ tiếp công dân và thực hiện chế độ báo cáo”.
Theo ông Hùng, cần điều chỉnh luật theo cơ chế mở, cho phép người đứng đầu được ủy quyền hoặc phân công cho cấp phó tiếp công dân định kỳ theo lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Việc này nhằm nâng cao hiệu quả việc tiếp xúc, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo sát nội dung, nguyện vọng người dân đặt ra, đồng thời giảm trường hợp né tránh của người đứng đầu. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần ban hành quy định luân chuyển cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân về làm công tác thuộc lĩnh vực khác hoặc ngược lại để rèn luyện, thử thách và nâng cao năng lực công tác quản lý, kiến thức thực tế...
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Tiếp công dân về những hành vi bị nghiêm cấm và một trong số các hành vi đó thường xuyên xảy ra tại nơi tiếp công dân là “đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ”, những trường hợp gây mất an ninh, trật tự tại cơ quan nhà nước.