Đề phòng tranh chấp khi vay tiêu dùng
Tài chính - Ngày đăng : 07:42, 21/11/2017
Theo báo cáo mới đây của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc nhân viên tư vấn dịch vụ tài chính không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cần thiết; cung cấp thông tin sai lệch về nội dung hợp đồng, thường là lãi suất thấp hơn, thời hạn vay ngắn hơn thực tế, không thông tin về mức phạt, phí thanh toán trước hợp đồng... nhằm lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ. Thậm chí, có trường hợp người tiêu dùng không được cung cấp hợp đồng để nghiên cứu trước, không trả lại hợp đồng đã ký để lưu giữ, theo dõi.
Hệ quả là khi trả nợ thực tế, người tiêu dùng phải chịu kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất cao hơn so với thông tin được tư vấn; chịu phạt hoặc trả thêm phí do không được tư vấn rõ ràng. Thực tế giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng cho thấy, một số đơn vị không thiện chí phối hợp giải quyết; phần lớn nội dung khiếu nại đều phát sinh từ quá trình tư vấn trực tiếp giữa nhân viên và khách hàng nên không có cơ sở để chứng minh, gây khó khăn cho quá trình làm rõ thông tin khiếu nại.
Vì vậy, để hạn chế phát sinh tranh chấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, khi vay tiêu dùng, chỉ ký các tài liệu khi đã nghiên cứu kỹ nội dung, bảo đảm chắc chắn các thông tin được thể hiện chính xác trên tài liệu; yêu cầu cung cấp hợp đồng để lưu giữ, đối chiếu thực hiện. Khi có tranh chấp, ngoài phản ánh qua điện thoại nên kết hợp gửi email để bảo lưu thông tin, tránh trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ đưa lý do không nhận được khiếu nại để từ chối giải quyết.... Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ có thể gọi đến Tổng đài 1800 6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.