Đề xuất 19 tuyến phố mới được đặt tên ở Hà Nội
Đời sống - Ngày đăng : 19:07, 22/11/2017
Theo dự thảo tờ trình của UBND thành phố, Hà Nội có 19 tuyến phố đề nghị đặt tên (13 đường, phố mang tên địa danh; 6 đường, phố mang tên danh nhân) và điều chỉnh độ dài 5 đường, phố thuộc 11 quận, huyện. Các tuyến đường, phố đặt tên là: Bắc Từ Liêm đề xuất đặt tên 4 tuyến phố tên Đình Quán, Nguyên Xá, Trung Kiên, Văn Hội; Cầu Giấy đề xuất đặt tên 1 tuyến phố Nghĩa Đô; Hà Đông đề xuất đặt tên 3 tuyến phố Đông La, La Nội, Ỷ La; Hai Bà Trưng đề xuất 1 tuyến phố tên Dương Văn Bé; Long Biên đề xuất 3 tuyến phố tên Nguyễn Lam, Đào Văn Tập, Mai Chí Thọ; Nam Từ Liêm đề xuất 3 tuyến phố tên Phùng Khoang, Quang Tiến, Nguyễn Văn Giáp); Gia Lâm đề xuất 1 tuyến phố tên Nguyễn Mậu Tài; Quốc Oai đề xuất 1 tuyến phố tên Phố Huyện; Thanh Trì đề xuất 2 tuyến phố tên Cổ Điển, Quang Lai.
Qua thẩm tra, các Ban HĐND thành phố cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình, trong đó nhấn mạnh, việc HĐND thành phố ban hành nghị quyết về đặt tên và đều chỉnh độ dài một số đường, phố là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý đô thị, giao dịch hành chính, văn hóa xã hội, đáp ứng nhu cầu chính đáng của nhân dân tại các địa phương.
Tuy nhiên, Ban Pháp chế và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo rà soát một số tuyến đường thuộc các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; sớm hoàn thiện các tiêu chí về đường đô thị như vỉa hè, cây xanh, mặt cắt đúng tiêu chuẩn quy định.
*Cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thẩm tra tờ trình về Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2018. Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, biên chế hành chính gồm 10.661 người; biên chế sự nghiệp gồm 148.822 người.
Qua thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND thành phố thống nhất cho rằng, Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố là cơ quan hoạt động kiêm nhiệm, không phải cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước, vì thế UBND thành phố sớm sắp xếp lại bộ phận giúp việc của Ban Chỉ đạo thành một phòng thuộc một sở, ngành hoặc Văn phòng UBND thành phố với số lượng biên chế giảm còn 50% như hiện nay.
Về biên chế hành chính, Ban Pháp chế HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố làm rõ nguyên tắc cắt giảm, không cắt giảm đều, mà căn cứ thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ, ứng dụng tốt công nghệ thông tin để tăng hay giảm phù hợp.
Riêng khối quận, huyện, thị xã, Ban Pháp chế đề nghị UBND thành phố chưa cắt giảm ở những quận mới thành lập, mà cần thiết cắt giảm những quận huyện cũ, đã ổn định về hạ tầng. Về biên chế sự nghiệp, thành phố cần đẩy nhanh giao tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát các đơn vị mới hợp nhất để cắt giảm.