Tích cực khôi phục sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 22/11/2017
Nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lũ. |
Huyện Mỹ Đức là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ xảy ra hồi đầu tháng 10. Toàn huyện có hơn 2.300ha hoa màu vụ đông bị mất trắng... Để bù đắp, huyện Mỹ Đức đã phát động đẩy mạnh phục hồi sản xuất và phát triển nông nghiệp, cây vụ đông. Bà Nguyễn Thị Vỹ, xã Đại Hùng cho hay: "Đợt ngập úng vừa qua làm gần chục cây cam, bưởi của gia đình tôi bị chết và hàng trăm cây khác bị ảnh hưởng, vì vậy thu hoạch từ trồng cam, bưởi năm nay chỉ bằng 30% năm ngoái. Đối với cây trồng có thể hồi phục, gia đình đã tập trung chăm sóc, còn cây chết đã được trồng mới thay thế".
Cũng cùng cảnh ngộ, toàn bộ diện tích trồng rau màu của gia đình bà Nguyễn Thị Dương, xã Phù Lưu Tế đã bị mất trắng do ngập úng kéo dài. "Ngay sau khi nước rút gia đình tôi đã làm đất, xuống giống vụ mới. Nhờ thời tiết thuận lợi, rau màu phát triển tốt, dự kiến 15 ngày tới sẽ cho thu hoạch" - bà Nguyễn Thị Dương cho biết.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, ngoài tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu ngắn ngày và triển khai trồng mới, huyện Mỹ Đức đã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã triển khai trồng được 385ha, trong đó có 244ha rau đậu các loại, 55 rau cải, 41ha khoai tây, 19ha bí đỏ, 15ha ngô, 10ha khoai lang…
Công tác khôi phục sản xuất cũng được nhiều xã ở huyện Chương Mỹ gấp rút triển khai. Trên các cánh đồng của xã Nam Phương Tiến, việc khôi phục sản xuất đã nhộn nhịp trở lại nhiều ngày nay. Được biết, sau ngập úng, khôi phục sản xuất, đến nay toàn xã Nam Phương Tiến đã trồng được hơn 40ha dưa chuột vụ đông. Còn các xã bị ngập sâu nhiều ngày như Hoàng Văn Thụ đã thành lập các tổ khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, thu gom rác thải, xác động vật chết và tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các khu vực bị ngập úng và chuồng trại chăn nuôi...
Ông Hoàng Văn Thám, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho hay: Ngoài cấp phát thuốc khử trùng, tiêu độc vệ sinh môi trường, huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ hơn 2 tấn hạt rau giống ngắn ngày để giúp nông dân khôi phục sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 600ha rau màu vụ đông được khôi phục gieo trồng trong khung thời vụ, dự kiến nhiều diện tích rau màu ngắn ngày sẽ cho thu hoạch trong vòng 15-20 ngày tới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở các huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hiện nay nhiều giống thủy sản đang bị khan hiếm do các tỉnh miền Trung và miền Bắc đều bị ngập lụt, song các hộ gia đình đã chủ động liên kết, tìm mua giống ở các cơ sở uy tín, nhiều trường hợp tự sản xuất được con giống. Các chủ trang trại thủy sản trên địa bàn thành phố cũng đã đào đắp, gia cố lại bờ, kè, cải tạo môi trường ao, hồ nuôi để tái sản xuất vụ mới. Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp bị chết hoặc ngập úng, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các địa phương tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân để sớm phục hồi vườn cây. Trong chăn nuôi, phòng dịch là khâu quan trọng nhất, các huyện đã triển khai phun thuốc phòng dịch để phòng nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh sau mưa úng...