Sản xuất lúa gạo chất lượng theo chuỗi
Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 22/11/2017
Hà Nội đang triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến gạo chất lượng cao. Ảnh: Tứ Cường |
Xây dựng mô hình sản xuất giống
Hà Nội là thị trường có sức tiêu thụ gạo chất lượng cao với số lượng lớn. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa chất lượng cao trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Qua rà soát của Sở NN&PTNT Hà Nội, riêng người dân 10 quận nội thành, trung bình một năm tiêu thụ khoảng 67 nghìn tấn gạo chất lượng cao. Những năm gần đây, dù tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống mới cho nông dân, song tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội mới chiếm từ 8 đến 14% diện tích trồng lúa. Quy mô trồng lúa của thành phố phân tán, nhỏ lẻ, bộ giống nghèo nàn; công nghệ sau thu hoạch như: Phơi, sấy, bảo quản, chế biến lúa chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong định hướng sản xuất, tiêu thụ.
Để giải quyết những tồn tại trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Hỗ trợ phát triển kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ TP Hà Nội, Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) Châu Á - Thái Bình Dương thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình từ sản xuất giống đến gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu cho nhân dân Thủ đô”. TS Trần Duy Phương, Viện Nghiên cứu KHKT Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Dự án được triển khai với 2 giống lúa thuần Sơn Lâm 1 và QJ1 được chọn tạo bởi tập thể các nhà khoa học Viện Nghiên cứu KHKT Châu Á - Thái Bình Dương và Viện Di truyền nông nghiệp.
Hiện gạo chất lượng cao của Hà Nội được trồng chủ yếu từ giống Bắc thơm số 7 nhưng giống này thường bị bệnh bạc lá vào vụ mùa. Hai giống lúa mà dự án triển khai có lợi thế hơn hẳn Bắc thơm số 7 về năng suất, cao hơn từ 10 đến 15%, khả năng chống chịu bệnh bạc lá. Mục tiêu dự án hướng tới là ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất gạo chất lượng cao theo quy trình khép kín từ nhân giống phục vụ sản xuất đến tạo vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Qua đó, xây dựng các mô hình sản xuất giống, tạo ra khoảng 60 tấn giống nguyên chủng, 600 tấn hạt giống xác nhận, 2 nghìn tấn gạo thương phẩm chất lượng cao. Đáng lưu ý, dự án này sẽ đào tạo được đội ngũ chuyên sâu về công nghệ sản xuất giống và gạo thương phẩm theo quy mô hàng hóa, đồng thời, tập huấn cho nông dân nắm vững về kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản lúa chất lượng.
Dự án trên được triển khai từ cuối năm 2016 tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm của Hà Nội như Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Năm 2017, dự án triển khai với 110ha, trong đó: Giống Sơn Lâm 1 là 60ha, giống QJ1 là 50ha. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Thực tế triển khai mô hình cho thấy, năng suất bình quân giống QJ1 đạt 65,5 tạ/ha vụ xuân, vụ mùa đạt 60,2 tạ/ha; giống lúa Sơn Lâm 1, năng suất đạt 65 tạ/ha vụ xuân, vụ mùa đạt 58,5 tạ/ha. Cả 2 giống đã thể hiện khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; hạt gạo tròn, tỷ lệ bạc bụng thấp, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ…
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Lê Ngọc Anh cho rằng dự án trên đã đi đúng định hướng của Hà Nội về việc đưa ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung, định hình tập quán canh tác lúa theo công nghệ mới, từ đó nhân rộng ra toàn thành phố. Ngoài ra, tạo sự liên kết 4 nhà, hoạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường. Việc triển khai dự án đã gắn với công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ phơi, sấy. Dự án bước đầu đóng góp tích cực vào chương trình sản xuất lúa gạo chất lượng cao để xây dựng thương hiệu gạo cho Thủ đô, giảm nhập khẩu.
Chia sẻ quá trình triển khai dự án, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức Đỗ Đức Trường cho biết: Địa phương được chọn triển khai mô hình của dự án với giống lúa Sơn Lâm 1, quy mô 10ha/vụ. Thực tế cho thấy, năng suất giống lúa này cao hơn giống Bắc thơm số 7, hiệu quả kinh tế tăng gần 4 triệu đồng/ha...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dự án trên còn gặp một số khó khăn, nhất là về kinh phí. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng sinh thái bền vững, ứng dụng công nghệ cao, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố có chính sách hỗ trợ cụ thể, đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực mũi nhọn trong sản xuất cây con giống chủ lực như lúa, hoa, rau. Đối với sản xuất lúa chất lượng cao, cần xây dựng chương trình nghiên cứu ngắn hạn và dài hạn ứng dụng công nghệ cao để xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, chất lượng...