Tỷ giá cuối năm diễn biến ra sao?
Tài chính - Ngày đăng : 13:01, 22/11/2017
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 25-10-2017, tỷ giá trung tâm tăng 1,4% trong khi tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,19% so với cuối năm 2016. Còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tính đến ngày 20-10-2017, tỷ giá trung tâm ở mức 22.465 VND/USD, tăng 1,39% so với đầu năm, tỷ giá của ngân hàng thương mại không những không tăng mà giảm 0,19%.
Đáng chú ý, chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2017, thời điểm này nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp để nhập hàng hóa thường tăng mạnh nhưng giá USD trên thị trường hầu như không biến động. Giá đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại được niêm yết là 22.650-22.690 VND (mua vào) và 22.745-22.750 VND (bán ra), mức phổ biến trong thời gian qua.
NHNN cho biết, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các tổ chức tín dụng mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Về dự trữ ngoại hối, số liệu mới nhất được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng công bố trong phiên trả lời chất vấn vừa qua cho thấy, tính đến nay dự trữ ngoại hối quốc gia đã tăng kỷ lục, đạt 46 tỷ USD. Đáng chú ý, trong đó chỉ tính riêng các tháng đầu năm 2017, NHNN đã mua vào được 7 tỷ USD cho Quỹ dự trữ ngoại hối.
Tỷ giá được nhận định tiếp tục ổn định đến hết năm. (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực Châu Á, Việt Nam đồng (VND) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở Châu Á.
Như vậy, diễn biến trên thị trường ngoại hối những tháng qua là ổn định, trái với dự báo của nhiều chuyên gia vào hồi đầu năm cho rằng tỷ giá có thể tăng 2-3% do cán cân thanh toán quốc tế không thuận lợi như năm trước và lộ trình tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ; thị trường không còn tình trạng tỷ giá biến động bất thường, người dân cũng không còn gom mạnh USD.
Có thể thấy, có hai nguyên nhân chính giúp thị trường ngoại hối ổn định. Trước hết là NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt. Bên cạnh việc thực hiện giao dịch truyền thống là mua/bán ngoại tệ giao ngay, NHNN triển khai giao dịch kỳ hạn với các tổ chức tín dụng để bổ sung công cụ cho các thành viên trên thị trường. NHNN thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn, trên cơ sở cân nhắc diễn biến lãi suất, tỷ giá, sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động hơn trong việc cân đối dòng tiền (bao gồm cả cân đối dòng tiền phục vụ tín dụng) và có thêm lựa chọn trong việc bán ngoại tệ cho NHNN, từ đó khuyến khích TCTD bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, quan hệ cung-cầu ngoại tệ ở mức tốt. Nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu (tính chung 10 tháng năm 2017 xuất siêu là 1,23 tỷ USD), đầu tư nước ngoài khá cao, vì thế, mặc dù vay vốn ngoại tệ tăng hơn so với năm trước nhưng cơ bản được đáp ứng đầy đủ.
Về diễn biến tỷ giá từ nay đến cuối năm, nhiều nhận định cho rằng, tỷ giá cơ bản sẽ tiếp tục ổn định. “Mặc dù tháng 12, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất và thời điểm này nhu cầu về ngoại tệ của doanh nghiệp tăng lên do nhập khẩu hàng hóa tăng, nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn tốt nên tỷ giá VND/USD từ nay đến cuối năm chỉ có thể biến động nhẹ và vẫn nằm trong kiểm soát”, chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực nhận định.
Cùng với quan điểm trên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thị trường ngoại hối vẫn đang được hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Đó là: Áp lực từ phía cầu ngoại tệ được giảm thiểu khi cán cân thương mại trở lại xuất siêu; chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (chênh lệch khoảng 6,8%/năm); dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, tạo dư địa khá tốt trong việc ổn định tỷ giá.